Một buổi sáng, sau khi mở máy tính, một quản lý của Google đã phát hiện chiếc tai nghe Bluetooth cao cấp đang bán trên Google Shopping với giá thấp hơn nhiều so với thị trường. Lập tức, ông đặt hàng sản phẩm và chờ đợi để được trải nghiệm sớm. Tuy nhiên, ngày giao hàng dự kiến trôi qua đã lâu, song ông vẫn không nhận được chiếc tai nghe. Gọi đến số liên lạc chăm sóc khách hàng có trên website, thuê bao đã không liên lạc được. Chiếc tai nghe không bao giờ đến và số tiền đặt hàng đã bị mất. Lần theo các nội dung cung cấp, ông này phát hiện người bán không phải ở Mỹ mà có địa chỉ tại Việt Nam - cách nơi ông đang ngồi gần 13.000 km. Người bán hàng cho ông cũng không có thật mà là một tài khoản ảo. Một trường hợp bán kính mắt rẻ hơn nhiều so với giá thực trên Google Shopping bị khóa vì có hành vi lừa đảo. Sau khi nói chuyện với người đồng cấp, Google Shopping đã mở một cuộc điều tra toàn cầu. Nhóm đã bất ngờ khi khoảng 5.000 tài khoản chuyên dùng để lừa gạt tương tự trường hợp trên đang "hoành hành" trên nền tảng mua sắm của họ. "Nhiều tài khoản được phát hiện sớm trước khi mở rộng quy mô", Saikat Mitra, Giám đốc bộ phận Tin cậy và An toàn của Google Shopping, nói. Cũng theo Mitra, gian thương sẽ tạo các tài khoản giả mạo và hoạt động bình thường trên 6 tháng nhằm tăng uy tín. Sau đó, tài khoản bắt đầu tạo gian hàng và bán những vật phẩm rẻ hơn so với bình thường để lừa người dùng đặt hàng. Nếu có tài khoản nào bị khóa, lập tức nhiều tài khoản khác sẽ tham gia đăng ký để lấp chỗ trống. "Nhóm người này đang kiên trì phối hợp với nhau để kể cả khi bị loại khỏi danh sách, họ vẫn cố quay lại", Mitra nói. Theo CNBC, khác với các nền tảng mua bán như Amazon và eBay vốn vận hành bằng cách kết nối người bán với người mua và hoàn tiền nếu có sự cố, Google Shopping chỉ đưa ra các kết quả tìm kiếm hoặc đề xuất về một mặt hàng từ nhiều trang khác nhau. Điều này giúp Google kiếm rất nhiều tiền từ quảng cáo nhưng cũng khiến cho các vấn đề sau giao dịch không thể kiểm soát, thậm chí xuất hiện các chiêu trò lừa đảo. Người dùng nên xem đánh giá cửa hàng trước khi mua sản phẩm trực tuyến. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, người dùng nên tỉnh táo khi tìm hiểu hàng hóa trên Google Shopping, như xem số phản hồi và số sao đánh giá cửa hàng đó của người mua, có dùng dịch vụ thanh toán an toàn như PayPal hay không... Ngoài ra, cần để ý đến dòng chữ "được tài trợ" ở góc phải bởi đây là các gian hàng bỏ tiền ra để quảng cáo, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm chứng. Theo Mitra, phía đội ngũ Google Shopping đang có các giải pháp nhằm hạn chế triệt để gian thương lợi dụng kẽ hở như trường hợp mua tai nghe Bluetooth ở trên. Tuy nhiên, người này từ chối đề cập chi tiết. Bảo Lâm Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ