Sông Nile đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Ai Cập cổ đại. Chính vì vậy, người xưa đã khéo léo sử dụng một số công cụ, biện pháp để đo mực nước sông Nile nhằm phục vụ đời sống con người. Mỗi năm, mực nước sông Nile lại dâng cao vào mùa hè. Theo đó, nước tràn bờ và đem phù sa cho khu vực đồng bằng quanh sông Nile. Chính cơn lũ thường niên này giúp đất đai màu mỡ cho người Ai Cập cổ đại canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, những trận lũ lụt lớn cũng trở thành thảm kịch thiên nhiên khiến mùa màng của người dân Ai Cập bị mất trắng, cuốn theo dòng nước lũ. Trong trường hợp nước sông Nile không dâng lên thì hạn hán sẽ xảy ra. Hậu quả là nạn đói hoành hành, người dân sống trong cảnh khó khăn. Ngay từ thời xa xưa, người Ai Cập đã sống dựa vào những cơn lũ của sông Nile. Tuy nhiên, lũ lụt là điều mà không ai có thể dự đoán trước được. Do vậy, lũ lụt còn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chính trị và hành chính ở Ai Cập thời cổ đại. Nguyên do là vì sản lượng mùa màng sẽ quyết định mức thuế mà dân chúng phải nộp. Chính vì vậy, người Ai Cập bắt đầu tiến hành đo mực nước sông Nile để dự đoán mùa màng mỗi năm có thuận lợi hay không. Ban đầu, người Ai Cập tạo ra những vết khắc trên vách đá cạnh bờ sông Nile để theo dõi mực nước tăng giảm của sông Nile. Về sau, người ta sử dụng cầu thang, cột, giếng và các công trình bằng đá khác để theo dõi mực nước sông Nile tăng hay giảm. Các thầy tế được giao nhiệm vụ theo dõi, ghi chép mực nước hàng ngày của sông Nile cũng như chịu trách nhiệm thông báo về cơn lũ mùa hè. Do vậy, khả năng dự đoán những trận lũ lụt trở thành một trong những điều bí ẩn về thầy tế Ai Cập thời cổ đại. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV