Tại sao nước hồ không bốc hơi hoặc thấm hết vào lòng đất?

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 28, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 162)

    Thực ra, nước thực sự có bốc hơi và thấm vào lòng đất. Tuy nhiên, tốc độ bốc hơi rất chậm và lượng nước trong hồ liên tục được bổ sung, trong khi mặt đất bên dưới sẽ bão hòa khi thấm nước đến một mức độ nhất định.

    Có thể bạn còn nhớ khái niệm "bốc hơi" đã được học từ phổ thông. Nói một cách đơn giản, bốc hơi là quá trình chất lỏng chuyển thành thể khí dưới tác động của nhiệt độ và/hoặc áp suất. Có hàng chục các ví dụ về hiện tượng này trong cuộc sống hằng ngày: quần áo ướt được phơi khô dưới nắng mặt trời, mặt đất ẩm ướt trở nên khô ráo sau một khoảng thời gian, tóc ướt nhanh chóng mất đi độ ẩm nếu bạn đi dưới nắng.

    Đây đều là những bằng chứng chứng minh cho việc nước bốc hơi nếu ở dưới ánh mặt trời quá lâu. Vậy tại sao nước hồ lại không bốc hơi?

    Tại sao nước hồ không bốc hơi?


    Như đã đề cập phía trên, nước bốc hơi khi gặp nguồn nhiệt cao. Mặt trời là một nguồn nhiệt tự nhiên, sẵn có và bền bỉ nhất trên hành tinh này, vậy tại sao vẫn không thể làm bốc hơi cạn nước trong hồ, hoặc ít nhất là làm giảm lượng nước ở mức độ mà ai cũng có thể nhận ra?

    Có một ví dụ đơn giản để chứng minh hiện tượng này: Đổ nước đầy một cốc thủy tinh rồi để dưới nắng mặt trời. Sau một vài giờ, bạn sẽ thấy lượng nước trong cốc giảm đáng kể.

    [​IMG]
    Nước trong cốc thủy tinh bốc hơi. (ảnh: Science ABC).

    Có thể bạn cũng đã đoán ra, nước bốc hơi là do sức nóng từ mặt trời. Điều tương tự cũng xảy ra với những vùng nước lớn, nước thực sự có bốc hơi. Tuy nhiên, chúng ta lại khó có thể nhận ra sự khác biệt về mực nước ở những khu vực này.

    Có hai lý do chính: thứ nhất, lượng nước tại các ao hồ, những vùng nước lớn là khổng lồ. Do đó, quá trình bốc hơi diễn ra rất chậm chạp, khiến bạn không thể nhận ra sự khác biệt về mực nước.

    Nếu như vậy, theo lý thuyết thì nước trong ao hồ cũng phải cạn sau một khoảng thời gian nhất định chứ, ví dụ sau một vài tuần, một vài tháng? Rất may, điều đó không xảy ra quá thường xuyên, nhờ vào vòng tuần hoàn của nước.

    [​IMG]
    Vòng tuần hoàn của nước. (ảnh: Science ABC).

    Chắc hẳn khi còn đi học bạn cũng đã được dạy về khái niệm này. Vòng tuần hoàn nước, hay chu trình thủy văn, là quá trình nước bốc hơi vào không khí từ ao hồ, sông suối và các đại dương, trước khi ngưng tụ và quay trở lại mặt đất dưới hình thức mưa, tuyết, mưa đá…

    Điều này có nghĩa lượng nước bốc hơi từ các ao, hồ sẽ được tự nhiên bù lại thông qua các trận mưa và các hình thức tương tự khác. Tuy nhiên, vẫn có một số hồ nước ngọt thực sự bị cạn qua thời gian nếu tốc độ bù nước không đủ nhanh.

    Tại sao nước không thấm hết xuống đất?


    Đến đây, chúng ta đều đã hiểu vì sao lượng nước trong các ao, hồ sẽ không giảm đi quá nhiều qua bốc hơi, nhưng điều gì khiến nước không thấm hết xuống đất?

    Thật ra, nước có thấm xuống đất, tuy nhiên…

    Bạn biết đấy, hiện tượng thấm nướcphụ thuộc vào chất đất bên dưới lòng hồ. Nếu hồ quá sâu, khi đó khả năng cao bên dưới đáy hồ sẽ là đất sét hoặc đá không thấm nước. Thêm vào đó, đất cũng có "giới hạn no". Chúng ta nói một vật đã "no", hay bão hòa, nếu nó không thể tiếp nhận/hấp thu thêm một thứ cụ thể nào đó.

    Do luôn luôn có một lượng nước sẵn sàng để được thấm phía bên trên, đất dưới đáy hồ sẽ "no" và không thể hấp thu thêm nước được nữa. Nên nhớ rằng các loại đất khác nhau sẽ có "tốc độ hấp thu nước" khác nhau. Các hạt đất càng lớn, tốc độ thấm càng nhanh. Thêm vào đó, nhiều hồ nước tự nhiên được hình thành ở độ cao so với mực nước biển thấp và thường nhận được nước từ các mạch ngầm.

    Nói tóm lại, nước có ngấm xuống dưới, nhưng đến một giới hạn cụ thể, đất dưới lòng hồ bị bão hòa, không thẩm thấu thêm nữa. Trong khi đó, lượng nước còn lại trong lòng hồ sẽ tiếp tục tham gia vào quá trình bốc hơi chậm chạp, rồi lại được bù thêm bằng nhiều cách khác nhau.

    Nhìn chung, nếu một thực thể nước đã có đủ nước và thường xuyên được tự nhiên bù đắp, khi đó sẽ chẳng có lí gì để vùng nước đó có thể biến mất!

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn KhoaHoc.TV
     
  2. Facebook comment - Tại sao nước hồ không bốc hơi hoặc thấm hết vào lòng đất?

Share This Page