Ngày 25/4, tiến sĩ Phan Kế Long, Phó giám đốc Bảo tàng thiên nhiên - đơn vị chế tác tiêu bản rùa hồ Gươm cho biết mẫu vật đã hoàn thành và đang được niêm phong, chờ ngày bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Địa điểm trưng bày sẽ do Hà Nội quyết định. Mẫu vật quá lớn Rùa hồ Gươm chết ngày 19/1/2016 và được đưa về Bảo tàng thiên nhiên bảo quản ở nhiệt độ âm 15 độ C. Rùa có chiều dài 2,08 m, rộng 1,08 m và nặng 169 kg. Để bảo quản rùa tốt nhất, Hà Nội đưa ra ba phương án là làm ướt, làm khô và nhựa hóa. Sau nhiều cuộc họp, giải pháp nhựa hóa được chọn. Phương pháp hiện đại nhất thế giới này sẽ giúp con vật giữ được nguyên trạng, sát thực nhất với mẫu sống, không mùi và độ bền cao. Nước và mỡ hòa tan trong tế bào sẽ được hút hết để thay vào đó một loại nhựa đặc biệt. Khi nhựa vào cơ thể sẽ thẩm thấu qua các tế bào giúp giữ nguyên cấu trúc. Ngày 21/4/2016, rùa Hồ Gươm bắt đầu được chế tác với sự giúp đỡ của hai chuyên gia hàng đầu về chế tác mẫu vật đến từ Đức. Thời gian dự kiến ban đầu là một năm nhưng đến giữa tháng tư năm nay mới hoàn thành. Rùa hồ Gươm khi còn sống. Về nguyên nhân, tiến sĩ Long cho biết, rùa hồ Gươm là mẫu vật lớn, gắn với đời sống tâm linh của người Hà Nội nên các chuyên gia phải thực hiện rất tỷ mỉ. "Hai nhà khoa học Đức nói rằng họ chưa bao giờ làm mẫu vật rùa mai mềm lớn đến như vậy. Mặt khác do trước đó xác rùa không được bảo quản ở trạng thái tốt, bị phân hủy nên cần nhiều thời gian xử lý", ông Long nói. Trong quá trình chế tác, bên cạnh hai chuyên gia Đức còn có hàng chục cán bộ của Bảo tàng thiên nhiên và chuyên gia Việt Nam tham gia, trong đó khoảng 15 người thường trực hàng ngày. Tiêu bản rùa đẹp và có hồn Để tạo mẫu vật rùa hồ Gươm, các chuyên gia ngâm rùa vào bể hoá chất, sau đó đưa ra mổ lấy nội quan, chỉ giữ lại xương. Tiếp đó thực hiện nhựa hoá, hút các dịch bên trong, tạo thành khung giúp rùa đúng với tư thế tự nhiên nhất. Tại nơi chế tác, nhiều bức ảnh của rùa Hoàn Kiếm được treo lên. Đó đều là bức ảnh rõ nhất, phản ánh chân thực nhất về rùa, làm cơ sở để các nhà khoa học nắm bắt được thần thái khi chế tác. Họ thực hiện cẩn thận từng chi tiết, bộ phận của rùa. Theo tiến sĩ Phan Kế Long, người trực tiếp tham gia chế tác, giai đoạn khó nhất là khi bắt đầu và hoàn thiện. Ở giai đoạn bắt đầu, mẫu vật bị phân huỷ nghiêm trọng, phải xử lý bằng hoá chất nên các cán bộ phải đeo mặt nạ chống độc. Còn khi hoàn thiện thì nhóm phải làm việc tỉ mỉ từng chi tiết làm sao để mẫu vật như thật. "Lúc chết da rùa có màu xám xịt, chúng tôi rất khó khăn khi chế tác màu da giống như khi rùa còn sống, tức là mướt như vừa từ dưới nước lên", tiến sĩ Long cho hay. "Dù khó khăn nhưng tôi và các đồng nghiệp rất hào hứng vì đây là mẫu vật ngàn năm có một, quý hiếm độc đáo, không phải ai cũng có vinh dự này", tiến sĩ Long nói. PGS Hà Đình Đức, người đồng hành suốt thời gian thực hiện tiêu bản rùa hồ Gươm cho biết ông tham gia góp ý nhiều nhất là phần đầu và mắt. Trong đó mẫu mắt chiếm nhiều thời gian nhất bởi "đó là linh hồn". "Tiêu bản rùa hoàn thành rất đẹp và có hồn, các chi tiết giống với rùa hồ Gươm khi còn sống", PGS Đức nhận xét. Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress