Số liệu phân tích từ công ty nghiên cứu thị trường PitchBooch cho thấy số vụ đầu tư mạo hiểm cho các startup trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản đã tăng 9 lần trong giai đoạn 2013 - 2017. Trước đây, ngành thủy sản thường không phải là lĩnh vực nhận được nhiều quan tâm từ giới đầu tư tại thung lũng Silicon. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn protein trên toàn cầu đang thôi thúc các nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền cho những đơn vị có tiềm năng phát triển công nghệ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và sinh vật thủy sinh để làm thức ăn. Các nhà đầu tư nhận ra rằng một thế giới 10 tỷ dân vào năm 2050 sẽ có nhu cầu rất lớn về thức ăn nói chung và các nguồn cung cấp protein nói riêng. Đồng thời, các tính toán cũng cho biết con người tới thời điểm đó sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào lượng thức ăn tự sản xuất thay vì nguồn thủy sản đánh bắt từ môi trường biển tự nhiên. Từ năm 2013 đến năm 2017, các nhà đầu tư mạo hiểm thung lũng Silicon đẩy mạnh rót vốn vào các hợp đồng startup ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp nuôi trồng thủy, hải sản. Trữ lượng cá trong tự nhiên đang ngày một suy giảm do nhu cầu không ngừng tăng cao của con người. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy, hải sản. Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, số lượng thức ăn sản xuất từ ngành công nghiệp thủy sản hiện chỉ cung cấp được một nửa nhu cầu về nguồn thức ăn. Phần lớn số tiền đầu tư đều được rót cho các công ty dành nhiều nguồn lực nghiên cứu phát triển công nghệ phụ trợ cho ngành công nghiệp thủy sản. Đầu năm nay, hai khoản tiền đầu tư lớn nhất được trao cho Aquabyte (3,5 triệu USD) và XpertSea (10 triệu USD). Cả hai startup này đều chuyên về phát triển các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Học Máy ( Machine Learning) hay Cơ sở Dữ liệu lớn (Big Data)… để cải thiện các kỹ thuật nuôi trồng. Nhu cầu lớn của thế giới đã thúc đẩy các nhà đầu tư tại thung lũng silicon rót tiền cho những startup phát triển công nghệ thủy sản. "Công nghệ trong ngành thủy sản dường như không có gì tiến triển trong suốt nhiều năm qua", ông Andrew Beebe, nhà đầu tư đến từ quỹ Clear Ventures nhận định. Việc phát triển công nghệ giúp kiểm tra số lượng và quản lý hàng triệu cá thể sinh vật sống trong nước khó khăn hơn nhiều so với kỹ thuật quản lý đàn trên cạn. Các khoản vốn đầu tư sẽ được phân bố chủ yếu cho nghiên cứu, phát triển máy ảnh kỹ thuật số và máy tính tốc độ cao dùng dưới nước . Startup XpertSea cho biết: "Trong ngành công nghiệp nuôi tôm, công nghệ AI và các thiết bị máy tính sẽ đếm và quy hoạch số lượng ấu trùng tôm trong môi trường nước, sau đó phân tích số liệu và gửi đến người nuôi để tính toán lượng thức ăn cần thiết". Giống như các thiết bị đo đạc trên cạn, Beebe cho rằng công nghệ áp dụng cho môi trường dưới nước cũng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn, nhờ việc cung cấp đúng, đủ nhu cầu về thức ăn, thuốc của sinh vật. Vi Vũ (Theo Quartz) Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress