Sau vụ việc bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở Bệnh viện Xanh Pôn bị bố bệnh nhi đánh, nhiều bác sĩ lên tiếng kêu gọi đồng nghiệp tổ chức "tuần hành để thức tỉnh lương tri, chống bạo hành y tế". Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và là đại biểu Quốc hội, là người tiên phong trong đề xuất này. Chia sẻ với VnExpress.net, bác sĩ Hiếu cho rằng thời gian qua ông cùng nhiều đồng nghiệp đã lên án vấn nạn hành hung cán bộ y tế trên các phương tiện kể cả tại Quốc hội, thậm chí đưa nội dung này vào bộ luật Hình sự sửa đổi... Tuy nhiên, thực tế cách làm "lên án" này không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí ngược lại. “Càng nói nhiều lại càng xảy ra nhiều vụ bạo hành hơn, tính chất nghiêm trọng hơn, đặc biệt chắc chắn có những vụ không do bác sĩ. Có thể những giải pháp thời gian qua chúng ta thực hiện chưa đúng”, bác sĩ Hiếu nhận định. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: T.H. Ông Hiếu cho rằng cần nhiều phương pháp khác, kể cả phương án xử phạt hành vi xúc phạm, đánh nhân viên y tế. “Tại sao luật cấm hút thuốc lá trên máy bay lại không thể cấm tát bác sĩ? Nếu người đánh bác sĩ bị phạt 50 triệu đồng thì có lẽ người khác sẽ không dám thực hiện ý định hành hung”, bác sĩ Hiếu bức xúc. Chuyên gia này cho rằng, trong thẩm quyền của mình, Bộ Y tế hoàn toàn có thể đề xuất Chính phủ ban hành nghị định xử phạt những hành vi bạo hành cán bộ y tế xảy ra trong khuôn viên bệnh viện. "Tổ chức diễu hành phản đối nạn bạo hành y bác sĩ chỉ là phương án tiếp theo, khi các phương pháp khác không hiệu quả, nhằm kêu gọi lương tri của những người còn lương tri", ông nói. Bởi, theo ông Hiếu, hiện một ngày làm việc của bác sĩ đã vô cùng lo lắng nay thêm nỗi lo canh cánh bị bạo hành về thể chất và tinh thần. Trong đó, bạo hành về tinh thần là điều đáng lo nhất. Nhiều nhân viên y tế khác cũng ủng hộ và cho rằng cần tổ chức một cuộc diễu hành, không thể chỉ trông chờ vào luật. Một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện của Hà Nội cho rằng: “Đã đến lúc người làm ngành y không thể chờ đợi vào cơ quan ban ngành nào bảo vệ”. Chung quan điểm này, một bác sĩ khác cũng nói: "Ngành y phải tự cứu lấy mình, không thể trông chờ vào người khác và ngành khác". Anh Nguyễn Xuân Vinh, điều dưỡng trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) nói: "Ý tưởng tuần hành có thể là hành động cuối cùng khi mọi giải pháp trở nên bất lực". Anh Vinh nói rằng nghề y là một nghề đặc biệt. Với lương tâm nghề nghiệp, các bác sĩ và điều dưỡng không thể bỏ mặc người bệnh. Đa số người bệnh thông cảm với nhân viên y tế, chỉ một số ít người có hành vi bạo hành, bạo lực. Một trường hợp bệnh nhân cùng người nhà hành hung nhân viên y tế phòng cấp cứu, được camera bệnh viện ghi lại hình ảnh. Bác sĩ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương đề nghị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, ví dụ tuyên truyền, giáo dục nhân viên y tế; tăng mức độ xử phạt với những hành vi bạo hành cán bộ y tế (xử phạt, bỏ tù...). Ngoài ra các bệnh viện cần thuê đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, có nghiệp vụ chứ không chỉ có nhiệm vụ kiểm tra thủ tục giấy tờ người bệnh. "Lực lượng bảo vệ hiện nay tại nhiều bệnh viện chưa làm tốt được nhiệm vụ của mình", bác sĩ Trí nói. Các chuyên gia đều cho rằng, những giải pháp trên chỉ là bề nổi, về lâu dài cái chính là phải giáo dục, thay đổi nhận thức, thay đổi cả hệ thống y tế. Theo bác sĩ Hiếu, đã đến lúc nhìn thẳng sự thật: Ngành y tế là nghề phục vụ, bác sĩ là người phục vụ người bệnh. Bác sĩ - người bệnh, hai bên có quyền tương đương nhau, là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người hưởng dịch vụ. Có thực tế là nhiều người bệnh bức xúc nhưng không dám phản ánh vì "sợ nói thì bác sĩ không cứu, không ban ơn". Ông Hiếu cho rằng lo sợ này hoàn toàn không đúng trong thời đại hiện nay. Ngành y nay là một ngành dịch vụ công, bác sĩ không còn là công chức, viên chức mà đang cung cấp một dịch vụ đặc biệt. Theo đó, tâm lý của bác sĩ cũng phải thay đổi, khi “bán hàng” khác với ban phát ân huệ. “Bao năm nay chúng ta dùng khẩu hiệu ghê gớm ‘Thầy thuốc như mẹ hiền’, coi người thầy thuốc phải cứu người, cứu bệnh nhân, thần thánh hóa bác sĩ quá mức. Nhưng thực sự khi bệnh nhân vào viện thì trách nhiệm của người thầy thuốc là phải chữa bệnh chứ không phải cứu”, bác sĩ Hiếu nhấn mạnh. Dù vậy, ông cũng thừa nhận giải quyết vấn đề bạo hành y tế cực kỳ phức tap, quan trọng là phải nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế (siết chất lượng đào tạo bác sĩ mới, tái đào tạo bác sĩ cũ); từ đó thay đổi cung cách ứng xử. Các bác sĩ cũng tự nhắc nhở nhau, ngành y thế giới đã đúc kết 3 nguyên tắc nhân viên y tế cần lưu ý để tránh nguy cơ bị bạo hành khi làm việc: Nguyên tắc cánh tay: Người nhà, bệnh nhân và bác sĩ không đứng sát nhau quá, ít nhất cách một cánh tay. Khi đó nếu có bạo hành xảy ra thì chấn thương cũng không quá nặng nề. Về lý thuyết, khi khoảng cách vượt qua cách tay thì lực đánh giảm đi rất nhiều, nhất là khi có dùng hung khí. Nguyên tắc thứ hai: Khi tiếp xúc với người nhà, bệnh nhân thì phải có người thứ ba đứng cạnh để vừa làm chứng vừa bảo vệ. Tiếp xúc có hai người trở lên thì sự manh động cũng ít hơn. Nguyên tắc thứ ba: Không đứng xoay lưng lại bệnh nhân, nếu đứng ở tư thế này thì phải có người khác quan sát bệnh nhân, người nhà. Khi bị tấn công, không quay lưng chạy mà đi lùi. Hành động này giúp đề phòng những trường hợp nguy hiểm tính mạng khi bệnh nhân dùng hung khí, vật sắc nhọn đâm sau lưng. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 4 đã có 3 vụ hành hung nhân viên y tế. Mới đây nhất, đêm 13/4 tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, bác sĩ Vũ Hồng Chiến đang tư vấn cho bố của một bệnh nhi bị thương thì bị người này hành hung. Bộ trưởng Y tế kêu gọi công an, chính quyền địa phương hỗ trợ bảo vệ y bác sĩ như cử công an cắm chốt tại bệnh viện, lập đường dây nóng với cảnh sát cơ động 113... Thủ tướng cũng yêu cầu khởi tố hành vi đánh bác sĩ. Nam Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress