Khi Arslan ghé vào phòng rửa tay, anh chỉ mơ hồ nhận thấy một thanh niên đi ngay phía sau mình, và thế là đã quá muộn cho Arslan. Lưỡi dao vung lên, chém sâu xuống. Arslan, 30 tuổi, chết sau 8 giờ nằm trên bàn mổ. Vụ giết bác sĩ xảy ra ngày 17/4/2012, khiến giới y tế phẫn nộ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một trường hợp điển hình trong nạn hành hung y bác sĩ. Kẻ sát hại bác sĩ Ersin Arslan là một thiếu niên 17 tuổi, cháu trai một bệnh nhân ung thư 80 tuổi từng được Arslan phẫu thuật. Ông cụ này từng xuất viện về nhà, sau đó phải quay lại viện bởi các vấn đề nảy sinh trong chăm sóc tại gia, theo nhật báo Hurriyet. Bệnh nhân qua đời sau đó. Đứa cháu cho rằng bác sĩ Arslan phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông, và mang dao đến bệnh viện "trả thù". Bác sĩ Ersin Arslan thuở sinh thời. Ảnh: Hipokratinyeri Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nạn bạo hành y bác sĩ diễn ra trên phạm vi toàn cầu, chủ yếu do bệnh nhân cùng người nhà gây ra. Ước tính 8-38% nhân viên y tế bị hành hung ít nhất một lần trong đời. Hàng loạt trường hợp phải chịu sự đe dọa, xúc phạm bằng lời nói. Nhóm y bác sĩ dễ trở thành mục tiêu tấn công nhất là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hoặc làm ở phòng cấp cứu. Tại Trung Quốc, mâu thuẫn giữa y bác sĩ và bệnh nhân là vấn đề xã hội nghiêm trọng. Năm 2010, Bộ Y tế nước này ghi nhận 17.000 vụ tấn công nhân viên ngành y, tăng gần gấp đôi so với năm năm trước đó. Thống kê cho thấy 60% y bác sĩ từng bị bạo hành về tinh thần và 13% bị bạo hành về thể xác. Tháng 8/2011, một bệnh viện phía Nam thành phố Nam Xương xảy ra cảnh hỗn chiến sau khi một bệnh nhân tử vong trên bàn mổ. Hơn 100 y bác sĩ phải dùng gậy và bình xịt làm vũ khí tự vệ. Đầu năm 2012, ba vụ tấn công bằng dao liên tiếp xảy ra làm một bác sĩ tử vong và năm người bị thương. Tờ Lancet, tạp chí y khoa nổi tiếng của Anh, khi ấy bình luận: "Y tế Trung Quốc đang khủng hoảng". Tương tự Trung Quốc, y bác sĩ Ấn Độ thường xuyên đối mặt với nguy cơ bạo hành. Tháng 1/2001, bác sĩ Vasant Jaykar bị sát hại ở Mumbai vì một bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối tử vong. Tháng 3/2017, bác sĩ chỉnh hình Rohan Mhamunkar bị người nhà bệnh nhân đánh tổn thương nặng vùng đầu và suýt mất mắt trái. Những quốc gia giàu có như Mỹ, Australia cũng phải đương đầu với nạn y bác sĩ bị hành hung, dù các nước này có hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới. Y bác sĩ Ấn Độ biểu tình đòi chấm dứt tình trạng bạo hành nhân viên y tế. Ảnh: Thinkmedico. Lý giải thực trạng nhân viên y tế bị tấn công, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân phổ biến nhất là thời gian chờ đợi khám chữa bệnh kéo dài. "Bạn phải hiểu chúng tôi rất căng thẳng khi thân nhân bị ốm mà chờ mãi vẫn không rõ nguyên nhân", ông Ramazan Ercan người dân sống ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) giãi bày. Chế độ đãi ngộ chưa hợp lý dành cho y bác sĩ cũng góp phần khắc sâu mâu thuẫn. Ở rất nhiều nơi, nhân viên y tế liên tục phải tăng ca với mức lương ít ỏi. Để cải thiện thu nhập, họ kê thêm thuốc, yêu cầu thêm xét nghiệm hoặc làm thêm ở bệnh viện, phòng khám tư; từ đó mang tiếng xấu và trở thành những "kẻ phản diện". Đặc biệt, y bác sĩ được coi như bộ mặt của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nếu có vấn đề gì liên quan đến hệ thống, họ sẽ là những người đầu tiên bị bệnh nhân và thân nhân đổ trách nhiệm. Không chỉ tác động tiêu cực về thể xác và tinh thần, các vụ tấn công khiến y bác sĩ giảm động lực làm việc, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa cũng như sức khỏe bệnh nhân. Sinem, bác sĩ cấp cứu ở Istanbul khẳng định nếu được quay về quá khứ sẽ không chọn nghề y. "Tôi dành phần lớn cuộc đời để cứu người nhưng giờ đây sống trong nỗi sợ hãi bị đe dọa, bị đánh và thậm chí bị giết", cô nói. Bản thân Sinem từng là nạn nhân của nạn bạo hành. Chỉ vì cố giải thích với bệnh nhân rằng mình sắp chuyển ca mà cô nhận một cái tát. Các đồng nghiệp can thiệp còn bị "đánh đến tím mắt và trật khớp vai". Caner Celik, chồng của Sinem, cũng làm nghề y tiết lộ vì sợ bị hành hung, sinh viên y Thổ Nhĩ Kỳ chẳng còn mặn mà với khoa cấp cứu. "Chúng tôi có 10 chỗ trống nhưng không ai đăng ký", anh nhún vai. "Từ ngày Ersin Arslan qua đời, nỗi sợ trở nên quá rõ rệt". Sau cái chết của bác sĩ Arslan, Thổ Nhĩ Kỳ ban hành các quy định mới. Chính phủ thành lập đường dây nóng báo cáo các vụ tấn công, trợ giúp pháp lý miễn phí cho y bác sĩ đồng thời tăng cường lực lượng bảo vệ. Năm 2015, tòa tuyên án kẻ sát hại bác sĩ Arslan 24 năm tù. Ở Trung Quốc, giới chức đề nghị xây dựng các đội phản ứng nhanh và nâng cao biện pháp an ninh. Bệnh nhân có tiền sử say rượu hoặc rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi muốn khám chữa phải đi cùng nhân viên bảo vệ. Người liên quan đến các vụ tấn công y bác sĩ cũng bị đưa vào danh sách đen, tùy vào mức độ nghiêm trọng có thể bị phạt tới 15 năm tù. Một số bệnh viện cho nhân viên học võ. Tại Ấn Độ, nhờ cuộc biểu tình của 4.500 nhân viên y tế, chính phủ đưa ra các biện pháp bảo vệ như tuyển thêm nhân viên an ninh, theo dõi camera, hạn chế số lượng khách đến thăm... Tuy nhiên, đối với phần lớn y bác sĩ, những biện pháp đó vẫn là quá muộn màng và cũng chẳng mấy hiệu quả. Chia sẻ với Economist, nữ y tá Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh cho biết hầu hết nhân viên y tế phải tự tìm cách chống chọi. "Chúng tôi cố làm ngơ khi bị chửi mắng, và tự hy vọng mọi sự không đi xa hơn", cô nói. Đứng gần cô, một bác sĩ lên tiếng: "Vâng, tôi sợ lắm. Nhưng làm được gì bây giờ?". Minh Nguyên Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress