Rùa quý hiếm nhất thế giới ở Đồng Mô được phát hiện và bảo vệ thế nào?

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Apr 17, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 210)

    Anh Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) cho biết, hiện rùa ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) vẫn khỏe mạnh, thi thoảng nổi lên sưởi nắng. Nhớ lại thời điểm phát hiện, giải cứu rùa khỏi nguy cơ bị bán, các cán bộ bảo tồn bảo vẫn thấy hồi hộp.

    Rùa Đồng Mô suýt bị bán

    Theo ATP, đầu những năm 1970, hồ Đồng Mô, vốn là một phần của sông Tích được đắp đê và một con đập điều tiết nước phục vụ thủy lợi. Kể từ đó, một số rùa Hoàn Kiếm mắc kẹt lại hồ, bị ngư dân đánh bắt và tiêu thụ mạnh mẽ trong những năm 1980-1990 khiến loài rùa khổng lồ gần như sạch bóng.

    Cuối 2006, nhận tin người dân bắt gặp rùa lớn ngoi đầu lên, ATP lập tức đến Đồng Mô tìm bằng chứng. Anh Nguyễn Xuân Thuận (ATP) túc trực nhiều tháng mới có bức ảnh đầu tiên về rùa vào tháng 6/2007. Để đảm bảo an toàn cho loài rùa mai mềm quý hiếm nhất thế giới, ATP âm thầm theo dõi mà không công bố.

    [​IMG]

    Năm 2008, Rafetus swinhoei thoát ra ngoài hồ, may mắn được trở về hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP.

    Tháng 11/2008, lũ lịch sử khiến con đập hồ Đồng Mô vỡ, rùa và các loài thủy sản thoát ra sông Tích. Ngày 26/11/2008, một người dân ở thôn Cời (phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bắt được con rùa nặng 70 kg, dài 90 cm. Hàng trăm người từ khắp nơi đến chen lấn để được thấy rùa khổng lồ. Công an, kiểm lâm, tổ chức bảo tồn cũng có mặt để giải cứu con vật.

    Các cán bộ bảo tồn phải mất 6 tiếng thương thuyết do nhiều người dân chưa hiểu biết về các văn bản bảo vệ động vật quý hiếm, thương lái lại trả khoản tiền lớn. 18h cùng ngày, rùa được thả về hồ Đồng Mô sau khi được chữa trị vết thương. Từ đây, cán bộ ATP thường xuyên tuần tra theo dõi hồ Đồng Mô, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương.

    Xây bãi đẻ, vùng cấm đánh bắt cho rùa

    Từ thực tế rùa không có bãi đẻ, ATP đã tạo bãi cát kích thước 10x5m, dốc thoai thoải giúp rùa có cơ hội đẻ trứng và có nơi phơi nắng. Bãi cát nhân tạo được làm vào tháng 1/2015, tạo trên một hòn đảo nhỏ, an toàn ở giữa hồ, chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền. Khi mực nước giảm xuống trong mùa hè, ATP sẽ mở rộng bãi xuống thấp giúp rùa có thể trèo lên.

    [​IMG]

    Vùng cấm đánh cá nhỏ nằm sát khu vực bãi đẻ trứng rùa. Ảnh: ATP.

    Từ ngày 3 đến 9/2/2015, ATP xây dựng hai khu vực cấm đánh bắt cá trên hồ Đồng Mô để bảo vệ sinh cảnh quan trọng của rùa Hoàn Kiếm. Vùng lớn có diện tích 17 ha ở nơi thường bắt gặp rùa nổi, vùng nhỏ hơn 1,4 ha nằm bao bọc bãi cát nhân tạo.

    ATP hy vọng vùng cấm đánh bắt sẽ giảm thiểu việc rùa bị mắc lưới và tạo nơi trú ẩn an toàn cho cá và rùa trong hồ. Vùng này sẽ được giám sát bởi cán bộ của tổ chức bảo tồn với sự giúp đỡ của ngư dân.

    Ngư dân cũng ký cam kết không đánh bắt rùa và sử dụng phương pháp đánh cá không gây hại đến loài này. Do lượng cá tự nhiên trong hồ suy giảm 40% so với 15 năm trước đây, người dân địa phương hy vọng vùng cấm đánh cá không chỉ giúp hồi sinh rùa quý hiếm mà còn cải thiện lượng cá và các loài khác.

    Những mối đe dọa rùa Đồng Mô

    Anh Nguyễn Tài Thắng, cán bộ ATP, lo lắng sau nhiều năm quan sát và điều tra vẫn không ghi nhận thêm con rùa nào trong hồ, chứng tỏ cơ hội tìm thấy rùa quý hiếm không nhiều. Cho rằng việc thiết lập vùng cấm đánh bắt là chưa đủ, anh Thắng đề nghị lập kế hoạch bảo tồn loài và ghép đôi sinh sản bởi rùa Hoàn Kiếm ở Đồng Mô đang đối diện với nhiều mối đe dọa.

    [​IMG]

    Đập hồ Đồng Mô mở cửa xả có thể khiến rùa tới khu vực cửa xả và mắc kẹt.

    Việc mở bốn cửa xả ở hồ Đồng Mô trong trường hợp mưa lũ, mực nước vượt qua thiết kế, hoặc xả nước phục vụ nông nghiệp có thể khiến rùa thoát khỏi hồ. Dù ATP và chủ hồ xây dựng hệ thống lưới chắn ngăn chặn, nguy cơ rùa thoát ra ngoài theo dòng chảy vẫn có thể xảy ra.

    Với kinh nghiệm quan sát rùa Hoàn Kiếm tại Đồng Mô nhiều năm, cán bộ ATP cho rằng, loài này khỏe, có thể phá tan hệ thống lưới chắn hiện có. Nếu như vậy nó sẽ tới chân cửa xả nước, lúc này lực hút của dòng nước sẽ khiến rùa bị mắc kẹt giữa khe hở của cửa xả và bị chết đuối.

    Mặc dù một hệ thống lưới chắn được đặt trước cửa đập, việc mở cửa xả nước đặt ra một nguy cơ hiện hữu tới loài rùa cực kỳ nguy cấp này. "Cứ lúc nào mưa to là chúng tôi lại đứng ngồi không yên lo rùa Đồng Mô thoát ra ngoài và bị bắt lại như năm 2008", anh Hoàng Văn Hà nói.

    Qua khảo sát, ATP phát hiện nhiều bộ câu giăng, trong đó loại nhỏ nhất cũng đủ làm chết rùa mai mềm. Ngoài ra, rùa còn đối diện với những kẻ đánh bắt trộm sử dụng kích điện. Kích điện không chỉ gây nguy hiểm cho rùa mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy lực, giết chết hàng loạt loài thủy sinh.


    Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu tiên từ năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Rùa Hoàn Kiếm hiện còn bốn con, trong đó hai ở Trung Quốc, một ở Đồng Mô và một ở Xuân Khanh. Trước đó, con rùa Rafetus swinhoei duy nhất sống ở hồ Gươm đã chết vào tháng 1/2016.

    Từ năm 2003, Chương trình bảo tồn rùa châu Á thực hiện các cuộc điều tra phỏng vấn tại nhiều khu vực thuộc 18 tỉnh miền Bắc Việt Nam để tìm kiếm các khu vực sông, hồ, và đất ngập nước nơi loài rùa từng phân bố. Loài rùa đặc biệt này từng được tìm thấy tại hầu hết khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, các cá thể rùa lớn có thể đạt đến trên 150 kg đã bị săn bắt mạnh mẽ trong suốt thập niên 1970 và 1980, cho đến tận những năm cuối của thập niên 1990.


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Rùa quý hiếm nhất thế giới ở Đồng Mô được phát hiện và bảo vệ thế nào?

Share This Page