Hầu hết người tiêu dùng khi chọn mua TV thì điều quan tâm nhất là chất lượng hình ảnh, nhưng chính xác hơn là loại màn hình được sử dụng. Nhiều người nghĩ rằng màn hình có chất lượng tốt hơn thì hình ảnh hiện thị sẽ tốt hơn và nhiều đơn vị cũng đưa ra các chương trình quảng cáo dựa trên khẩu hiệu này. Tuy nhiên, sau khi mua sản phẩm về trải nghiệm, nhiều người dùng đã chia sẻ rằng họ không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt rõ ràng nào giữa TV cũ và sản phẩm sử dụng công nghệ mới. Chọn TV không chỉ xem chất lượng màn hình. Theo ZOL, trên thực tế màn hình tốt đem lại hiệu quả hình ảnh khả quan hơn, nhưng chất lượng của TV không chỉ phụ thuộc vào riêng màn hình. Ví dụ Sony, một thương hiệu TV lớn khá nổi tiếng về chất lượng hình ảnh. Mặc dù có bộ phận sản xuất màn hình riêng, nhưng không phải tất cả các sản phẩm đều sử dụng màn hình từ một bộ phận chung của hãng. Các TV LCD của Sony cũng sử dụng màn hình LCD do các nhà sản xuất Trung Quốc như ChiMei, AU Optronics và China Star Optoelectronics. Tuy nhiên, nếu so sánh hai TV, một của Sony và một của thương hiệu khác, cũng nhập màn hình từ một nhà sản xuất, chất lượng hình ảnh hiển thị vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Chìa khóa nằm trong con chip xử lý hình ảnh của sản phẩm. Trên thực tế, không phải tất cả các nhà sản xuất TV đều có khả năng nghiên cứu và sản xuất các con chip xử lý hình ảnh có chất lượng cao. Vì thế, nhiều công ty đã quay sang tập trung vào việc phát triển công nghệ trên màn hình. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng đồ họa cốt lõi của một chiếc TV, vai trò của chip xử lý hình ảnh thậm chí còn quan trọng hơn cả bản thân màn hình. Bởi một chiếc TV tốt không nhất thiết phải có màn hình chất lượng tốt, nhưng không thể thiếu một con chip xử lý hình ảnh tốt. Những chip xử lý hình ảnh này có thể coi như "card màn hình", giúp thiết bị có thể xử lý và sửa chữa các tín hiệu hình ảnh nhận được. Điều này giúp mang lại hình ảnh rõ ràng, giảm nhiễu, tăng cường màu sắc và độ tương phản, tăng thêm sự mượt mà của chi tiết chuyển động cũng như các khía cạnh quan trọng khác. Đồng thời, tín hiệu video nhận được trong thời gian thực của các chương trình phát sóng trực tiếp cũng sẽ qua quá trình xử lý, được chuyển đổi thành tín hiệu phù hợp, mang lại hiệu quả cải thiện hình ảnh đáng kể. Chỉ các nhà sản xuất lớn mới có khả năng nghiên cứu, phát triển chip xử lý hình ảnh cho TV. Với một số nhà sản xuất nhỏ, thay vì tự nghiên cứu và phát triển chip xử lý hình ảnh, họ thay thế bằng chip ARM trên một số mẫu TV Android. Tất nhiên, có rất nhiều chip ARM đã được tích hợp công nghệ cao trong việc xử lý hình ảnh, nhưng về cơ bản chúng vẫn "cồng kềnh" khi so sánh với chip xử lý hình ảnh truyền thống. Có thể tích hợp với tất cả các giao diện, chúng có tác dụng tăng cường và xử lý các hình ảnh đơn giản, thay vì cải thiện đáng kể như chip xử lý gốc. Bởi quá trình xử lý hình ảnh cần thiết bị xử lý một lượng lớn cơ sở dữ liệu, cũng như tìm ra các thuật toán phù hợp để tính toán các loại màu sắc ánh sáng, tương phản trước sau cho phù hợp. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất có một sự hiểu biết đầy đủ về phần cứng cũng như hệ thống thu thập thông tin cơ sở khổng lồ, vấn đề không phải công ty nào cũng có khả năng giải quyết. Hiện nay, trên thị trường chỉ có một số công ty lớn có khả năng sản xuất chip xử lý hình ảnh là Sony (Nhật Bản), Samsung và LG (Hàn Quốc) và Hisense (Trung Quốc). Các dòng TV hàng đầu của Sony hiện nay được trang bị chip xử lý 4K HDR X1 Extreme, ví dụ mẫu KD-55X9000F. Trong con chip này bao gồm ba công nghệ cốt lõi là HDR, hệ thống hai kho dữ liệu hình ảnh (một dùng để làm ảnh trong hơn, giảm nhiễu tối đa, còn một nâng cấp tín hiệu và cải thiện độ rõ nét), và cuối cùng là khả năng quản lý dải màu thông minh 14-bit cho phép chuyển tông màu mượt mà hơn giữa các sắc thái. Chip xử lý hình ảnh mang lại chất lượng hiện thị khác biệt đáng kể cho TV. Trong khi đó, chip xử lý hình ảnh mới được giới thiệu gần đây của Samsung lại sử dụng công nghệ AI hỗ trợ hình ảnh 8K. Với các phân tích dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ, hệ thống học máy và trí thông minh nhân tạo sẽ sàng lọc và đưa ra kết quả hình ảnh tốt nhất từ độ sáng, độ mờ, sắc tối một cách hoàn hảo. Không chỉ vậy, nó còn có tác dụng cải thiện chất lượng âm thanh để tương thích với nội dung hình ảnh như phim hành động hay một biểu diễn âm nhạc. Chip TV 8K AI của hãng dự kiến sẽ được áp dụng cho các TV QLED vào nửa cuối năm 2018. Với LG, đó là dòng chip Alpha9. Nó cho phép TV trình chiếu những nội dung theo chuẩn HFR 120 hình/giây, nâng cao hơn so với tiêu chuẩn 24 hình/giây hiện nay. Bên cạnh đó là hiệu quả loại bỏ độ nhiễu, mang lại hình ảnh rõ ràng và tươi sáng hơn nhờ việc giảm bớt hình ảnh trễ, tăng cường độ tương phản và các hình ảnh lập thể. Cùng với đó là sự góp mặt của nền tảng trí thông minh nhân tạo ThinQ do LG phát triển dựa trên Google Assistant. Cuối cùng là chip xử lý hình ảnh Hi- View Pro của TV Hisense. Đây là sản phẩm được công ty tự phát triển từ cuối năm 2015, mới đưa ra giới thiệu gần đây và đang được áp dụng trên các dòng TV cao cấp như mẫu LED65EC880UCQ. Nó có tác dụng cải thiện đáng kể chất lượng hoạt động của màn hình LCD, tăng tỷ lệ tương phản, gam màu, giúp hình ảnh trở nên rõ ràng và mượt mà hơn. Tuy nhiên, dẫu có vai trò quan trọng, chip xử lý hình ảnh cũng không thể che lấp được vai trò đáng kể của màn hình cũng như chất lượng các tấm nền được sử dụng. Nếu quá trình lắp ráp không đủ tốt, ngay cả một con chip hàng đầu cũng không thể giải quyết được các vấn đề như rò sáng hay điểm chết. Cả hai đều cần hoạt động tốt để có thể bổ sung và bù đắp cho nhau mới có thể mang lại chất lượng hình ảnh hoàn hảo nhất cho thiết bị. Bảo Nam Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ