Cá mập phơi có chiếc miệng rộng dùng để lọc sinh vật phù du trong nước. Ảnh: National Geographic. Khảo sát trên không nhằm xác định nơi sinh sống của cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương trong thập kỷ gần đây hé lộ sự tồn tại của những đàn cá mập phơi khổng lồ, National Geographic hôm qua đưa tin. Phân bố trên khắp thế giới, loài cá mập chuyên lọc sinh vật phù du trong nước và di chuyển chậm này không gây nguy hiểm cho con người. Dù có thể dài tới 9,8 mét và chỉ xếp sau cá mập voi, cá mập phơi sống ở vùng biển sâu rất khó theo dõi. Nếu không tình cờ phát hiện, nhà khoa học không thể thu thập dữ liệu về chúng, theo Leah Crowe, nhà sinh vật học thực địa ở Trung tâm Khoa học Ngư nghiệp Đông Bắc thuộc Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Fish Biology. Crowe và cộng sự ghi chép 10 lần gặp gỡ những đàn cá mập phơi lớn trong năm 1980-2013 dọc vùng bờ biển từ Nova Scotia đến Long Island. Họ tìm thấy khoảng 10.000 lần cá mập phơi xuất hiện trong cơ sở dữ liệu và 99% là đàn 7 con. Các chuyên gia về cá mập đưa ra vài giải thuyết lý giải tại sao cá mập phơi tụ hợp. Những loài cá mập khác quây quần để kiếm ăn, ghép đôi và ngăn thú săn mồi tấn công. Đàn cá mập phơi khoảng 1.400 con kéo đến vùng biển phía nam New England hồi tháng 11/2013 bao gồm vài cá thể nhỏ tuổi. Theo Crowe, đàn cá mập nhiều khả năng đang ăn sinh vật phù du thay vì ghép đôi. Nhóm nghiên cứu cũng suy đoán cá mập phơi tụ tập để giảm lực cản từ chiếc miệng to của chúng trong lúc kiếm ăn, cho phép chúng dựa vào nhau để hạn chế tiêu hao năng lượng. Cá mập phơi dành 90% thời gian ở vùng biển sâu và chỉ 10% ở mặt nước, khiến những lần bắt gặp chúng trở thành nguồn thông tin hữu ích, theo Dave Ebert, giám đốc chương trình ở trung tâm nghiên cứu. Việc hiểu biết nhiều hơn về cá mập phơi có ý nghĩa quan trọng bởi quần thể loài này đang giảm dần. Trong thế kỷ 20, đánh bắt để thu hoạch dầu gan cá mập và da khiến số lượng cá mập phơi luôn ở mức thấp. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress