Cọc dolos chìm dưới nước ở một đầu đảo nhân tạo phía tây. Video: YouTube. Hình ảnh mới do một nhà hoạt động chia sẻ trên YouTube hôm 10/4 cho thấy cọc phá sóng có tác dụng bảo vệ đảo nhân tạo phía tây cầu vượt biển dài nhất thế giới nối liền Hong Kong - Châu Hải - Macau chìm hoàn toàn dưới nước, theo South China Morning Post. Nhiều chuyên gia kêu gọi chính phủ Hong Kong quản lý chặt chẽ hơn dự án xây cầu vượt biển. Lo ngại về độ an toàn của dự án cầu vượt biển nổi lên sau khi loạt ảnh chụp đảo nhân tạo phía đông được chia sẻ rộng rãi tuần trước. Trong ảnh, cọc phá sóng dùng để triệt tiêu năng lượng sóng biển gọi là dolos rải rác trên mặt biển như thể bị trôi dạt. Nhà chức trách Trung Quốc trong Ban quản lý cầu Hong Kong - Châu Hải - Macau nhấn mạnh công trình được thiết kế như vậy. Thiết kế cầu vượt biển dài nhất thế giới. Video: SCMP. Đảo nhân tạo phía đông nối phần bên phía Hong Kong của cây cầu với đường hầm dưới biển ở vùng biển thuộc Trung Quốc, tiếp đến là đảo nhân tạo phía tây và đoạn cầu chính. Ban quản lý cầu cho biết dự án được thi công theo đúng thiết kế ban đầu và được giám sát chặt chẽ để đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết. Theo họ, các khối cọc được sắp xếp ngẫu nhiên. Do hòn đảo nối liền với đường hầm dưới biển, xây tập trung nhiều dolos sẽ gây áp lực lớn quá mức lên trần đường hầm. Sau khi thị sát công trình vào tuần trước, Daniel Chung Kum-wah, giám đốc Cơ quan Đường cao tốc Hong Kong, khẳng định tường chắn sóng ở đảo nhân tạo phía đông có kết cấu vững chắc và an toàn. Kiểm tra tải trọng trên cầu vượt biển dài nhất thế giới. Video: SCMP. Video mới do nhà hoạt động Yeung Ke-cheong chia sẻ cho thấy nước biển che khuất cọc dolos ở một đầu của đảo nhân tạo phía tây. Simon So Yiu-kwan, kỹ sư công trình dân sự, cho biết thiết kế dolos không thể bảo vệ hai hòn đảo trước sóng mạnh trong thời tiết xấu. "Các khối cọc đều chìm dưới nước. Chúng sẽ cản sóng như thế nào?", Simon nói. Simon cũng trích dẫn những dự án tương tự ở Mỹ và Nhật Bản, trong đó dolos được sắp xếp gọn gàng xung quanh đảo nhân tạo. Tình trạng hiện nay của các khối cọc khiến Simon tin chắc rào chắn tạo từ dolos đã sụp đổ và trôi dạt. Theo Simon, mỗi khối dolos chỉ nặng 10 tấn, quá nhẹ để dùng ngoài biển. Trong khi đó, mỗi khối dolos ở hồ trữ nước High Island trên bán đảo Sai Kung, Hong Kong, nặng 25 tấn. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress