Chị Võ Thị Ngọc Lan 48 tuổi, phát hiện bệnh tiểu đường khi tuổi mới ngoài 20. Thời con gái vật lộn với căn bệnh mạn tính, phải tiêm insulin điều trị liên tục nên chị dang dở tình duyên, sống độc thân không chồng con. Mẹ mất từ năm 2012 nên chị sống một mình. Nhiều lần ngất xỉu trong đêm, chị được bà con ở các phòng trọ xung quanh góp tiền đưa vào bệnh viện. Cách đây 6 tháng, chị ngất xỉu khi đang làm việc. Bác sĩ chẩn đoán chị bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch vành, cần phải can thiệp cứu chữa, chi phí thanh toán sau bảo hiểm khoảng hơn 40 triệu đồng. Không tiền điều trị, chị quay về với căn phòng trọ tại quận 10. Ngày 28/3, chị được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bác sĩ Nguyễn Liên Nhựt, Phó Khoa Tim mạch cho biết bệnh nhân vào viện trong tình trạng phù phổi cấp, huyết áp tăng rất cao 260/120 mmHg, suy tim. Đây là lần thứ hai bệnh nhân vào cấp cứu tại bệnh viện này. "Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành 3 nhánh, nếu không can thiệp nong mạch vành để tái tưới máu thì sẽ diễn tiến suy tim giai đoạn cuối, ảnh hưởng tính mạng", bác sĩ Nhựt chia sẻ. Thương bệnh nhân gặp khó khăn trong khi có khả năng hồi phục cao, bệnh viện quyết định nhờ các tổ chức từ thiện giúp đỡ. Chị Lan hồi phục sau khi can thiệp. Ảnh: Lê Phương. Sau khi can thiệp đặt stent mạch vành, chị Lan hết khó thở, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định. Sau khi xuất viện, chị phải thăm khám uống thuốc định kỳ, ngăn ngừa nguy cơ tái hẹp. "Tôi không tiền, không người thân nên đã xác định tâm lý buông xuôi chờ chết, may mắn được các bác sĩ và mọi người giúp đỡ nên mới giữ được mạng sống", chị Lan chia sẻ. Bệnh mạch vành 3 nhánh thường xảy ra ở người cao tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao... Bệnh thường diễn tiến âm thầm trong nhiều năm, biểu hiện đau tức ngực, khó thở, nếu không điều trị có thể dẫn đến suy tim, tử vong. Người có yếu tố nguy cơ cao cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện can thiệp kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc. Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress