"Bà trùm nội y", "Nữ hoàng khởi nghiệp" là những danh xưng mà truyền thông dành cho Michelle Mone. Mới đây, bà gây xôn xao giới kinh doanh khi ra mắt dự án bất động sản cao cấp trị giá 320 triệu USD tại Dubai, cho phép các giao dịch mua bán có thể thực hiện bằng đồng tiền thuật toán Bitcoin. Trước đó, vào tháng 2/2018, Michelle cùng người bạn trai tỷ phú cũng là đối tác kinh doanh tiếp tục "trình làng" nền tảng đầu tư ứng dụng công nghệ blockchain - Equi với mục tiêu ICO (phương thức gọi vốn bằng tiền thuật toán) được 75 triệu USD. Lần này, bà đóng góp 50 triệu USD cho dự án. Liên tiếp làm dậy sóng thị trường với các ý tưởng kinh doanh thức thời, táo bạo cùng những lần rót vốn hàng chục triệu USD, không nhiều người biết được rằng đằng sau một Michelle với hình ảnh doanh nhân thành đạt, nữ hoàng khởi nghiệp là một tuổi thơ cơ cực và xuất phát điểm gần như là con số không. Sinh năm 1971 và lớn lên tại một khu phố nghèo thuộc Glaslow, Scotland, tuổi thơ của Michelle trải qua nhiều biến cố. Em trai bà qua đời vì căn bệnh nứt đốt sống lưng. Sau một sáng tỉnh dậy, người cha phát hiện ra mình đột nhiên bị liệt nửa người và vĩnh viễn không thể lao động được nữa. Ở tuổi 15, Michelle bỏ học, không lấy bằng tốt nghiệp và bắt đầu đi làm người mẫu để có tiền gánh vác gia đình. Năm 17 tuổi, bà kết hôn với Michael Mone. Sự nghiệp người mẫu của Michelle kết thúc ngay sau khi sinh con đầu lòng lúc mới 18 tuổi. "Dù vậy, tôi không có suy nghĩ chỉ ở nhà ngoan ngoãn làm một người phụ nữ nội trợ. Tôi muốn bước ra ngoài để gây dựng sự nghiệp của riêng mình", Michelle cho biết. Xuất phát điểm để Michelle có thể trở thành một triệu phú với khối tài sản 50 triệu USD, bà chủ của đế chế nội y Ultimo gần như là con số không. Năm 19 tuổi, Michella được nhận vào làm tại phòng tiếp thị sản phẩm của một công ty sản xuất rượu có chi nhánh đặt tại Scotland. Chỉ mất hai năm để Michelle từ một nhân viên không bằng cấp, không được đào tạo trở thành trưởng bộ phận kinh doanh và tiếp thị của chi nhánh. Bà tiếp tục làm việc tại đây đến năm 24 tuổi và sau đó thành lập công ty riêng. Vào năm 1993, bà quyết định tập trung công việc kinh doanh của mình vào việc sản xuất đồ lót mà trước tiên là những chiếc áo ngực. Khi biết được có một loại silicon mới do Mỹ sản xuất, đáp ứng đủ yêu cầu về độ co dãn và tính thoải mái mà mình yêu cầu, Michelle mua bản quyền để ứng dụng chất liệu này tại thị trường Anh. Bà mất ba năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chiếc áo ngực đầu tiên của Ultimo có màu trắng, khá xấu so với những phiên bản hiện nay của hãng, nhưng chúng rất thoải mái với người mặc, nâng ngực một cách tự nhiên. Cảm thấy sản phẩm đã đạt đến độ chín muồi, Michelle bắt đầu tìm kiếm thị trường. Tình hình lúc đó buộc bà phải nhanh chóng có được các đối tác kinh doanh bởi toàn bộ gia sản đã dành để thế chấp ngân hàng và cả gia đình đang phải đối mặt với nguy cơ không có nhà ở. Với sự thành công của Ultimo, Michelle được Hoàng gia Anh phong tước sỹ quan đế chế Anh (OBE) cho những thành tựu trong kinh doanh. Michelle giới thiệu các sản phẩm của mình đến hệ thống cửa hàng Selfridges tại London. Thay vì gửi sản phẩm mẫu đến các nhà cung cấp và đợi phản hồi của họ, bà gặp riêng quản lý chuỗi cửa hàng mà không hề hẹn gặp trước, thuyết phục đơn vị cung cấp đồ lót dùng thử sản phẩm. Họ đã rất ấn tượng với sản phẩm áo ngực do Michelle thiết kế và ngay lập tức ký đơn hàng cung cấp trong 6 tháng. Khi bắt đầu mở cửa hàng tại Selfridges vào năm 1996, Michella chỉ còn khoảng 500 bảng Anh trong ngân sách. Bà không đủ tiền cho bất cứ loại hình truyền thông, quảng cáo nào. Ngay lúc đó, Michelle thuê 12 diễn viên quần chúng, đóng vai những người làm trong ngành thẩm mỹ ngực đứng biểu tình trước cửa hiệu Selfridges, lên án sản phẩm áo ngực của bà tốt đến nỗi khiến họ mất việc. Sự kiện đã thu hút nhà báo của tòa soạn lớn như BBC hay Sky News đến đưa tin. Và chỉ trong 5 tiếng sau đó, các sản phẩm của Ultimo tại Selfridges đã được bán hết. Bước ngoặt đến với thương hiệu của Michelle là khi ngôi sao điện ảnh Julia Robert mặc chiếc áo lót của hãng trong bộ phim Erin Brokovich. Sau đó Barbara Lipton, giám đốc của chuỗi trung tâm thương mại Saks đã đề nghị được bán sản phẩm của Michelle tại hệ thống 54 cửa hàng của hãng. Từ thời điểm đó, Ultimo đi vào quỹ đạo hoạt động và nhanh chóng lớn mạnh. Đến khoảng năm 2010, giá trị thị trường của Ultimo là khoảng 50 triệu USD, và tổng giá trị tài sản của Michella là khoảng 30 triệu USD. Tuy nhiên vào năm 2013, Michelle và chồng li hôn, bà đã bỏ ra 24 triệu bảng Anh mua lại một nửa số cổ phẩn của Ultimo từ chồng để dành quyền sở hữu toàn bộ thương hiệu. Vào năm 2014, Michelle đã bán 80% cổ phần của mình tại Ultimo cho MAS Holding - một công ty đồ lót và đồ thể thao với giá 50 triệu USD. Bà dành nhiều thời gian hơn cho các con và phát triển thương hiệu đồ trang sức. Đồng thời, Michelle làm việc với chính phủ Anh để giúp đỡ những người thất nghiệp quay trở lại làm việc. Nói về hành trình lập nghiệp của mình, Michelle chia sẻ: "Bạn đến từ đâu và học được những gì không quan trọng. Nếu bạn có ước mơ lớn, bạn có thể biến nó thành sự thực". Vi Vũ (Tổng hợp) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress