Văcxin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất đã triển khai tại nước ta hơn 7 năm, góp phần quan trọng giải quyết các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do Hib. Văcxin Quinvaxem được tiêm miễn phí cho trẻ chong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: H.H. Tuy nhiên mới đây nhà sản xuất văcxin 5 trong 1 Quinvaxem tại Hàn Quốc thông báo ngừng sản xuất loại văcxin này, trong khi đó việc phòng ngừa các bệnh này còn tiếp tục lâu dài. Vì thế, Việt Nam sẽ chuyển sang một loại văcxin khác, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết Văcxin chuyển đổi sẽ vẫn là văcxin 5 trong 1 có thành phần và hiệu quả tương tự như Quinvaxem. Vì thế, việc chuyển đổi này sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêm ngừa của trẻ. Trẻ đã tiêm mũi 1 hoặc 2 văcxin Quinvaxem vẫn có thể tiêm nốt các mũi còn lại với văcxin mới. Khẳng định việc chuyển đổi văcxin là chuyện hết sức bình thường, tiến sĩ Phu khuyến cáo các bà mẹ tiếp tục cho con đi tiêm ngừa, tiêm đủ, đúng lịch, vào thời điểm trẻ được 2,3 và 4 tháng tuổi. Để chuyển đổi, ngành y tế sẽ tiêm loại văcxin mới trên thực địa nhỏ tại 4 tỉnh trước, sau đó sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc vào khoảng tháng 6. Bất cứ văcxin nào đưa vào sử dụng đều phải được cấp phép, làm đầy đủ các thủ tục, thử nghiệm lâm sàng... Loại văcxin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất thay thế Quinvaxem là loại của Ấn Độ. Văcxin của Ấn Độ đã được sử dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới với trên 400 triệu liều và đạt tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn của WHO. Loại văcxin này cũng có thành phần, chất lượng tương tự Quinvaxem của Hàn Quốc và đã được WHO tiền thẩm định. Bộ Y tế Việt Nam đang cân nhắc phương án thay thế tốt nhất. Theo tiến sĩ Phu, trong năm nay, ngoài chuyển đổi văcxin 5 trong 1 này, Bộ Y tế cũng sẽ đưa văcxin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất thay thế cho loại của Ấn Độ. Văcxin Quinvaxem được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Đầu tháng 5/2013, văcxin bị tạm dừng sử dụng để đánh giá lại do có 43 em bé bị phản ứng nặng sau tiêm. Khi đó cả chuyên gia Việt Nam, phòng xét nghiệm độc lập trên thế giới đều không tìm thấy những bất thường của văcxin Quinvaxem. Đến tháng 11/2013, văcxin này được tiếp tục tiêm cho trẻ đến nay. Phương Trang Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress