Một sự nhầm lẫn tai hại đẩy quân Áo vào cuộc giao tranh với chính mình. Lịch sử của nhân loại chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh lớn nhỏ khác nhau. Có những cuộc nổ súng mang đầy mưu mô thôn tính, lại có những cuộc chiến tranh vệ quốc rất oai hùng. Tuy nhiên, không thiếu trận chiến mà nguyên nhân dẫn đến nó lại kỳ quặc đến khó tin. Và nổi bật nhất có lẽ là vụ giao tranh giữa quân đội Áo với... chính quân đội của nước mình. Sự kiện xảy ra vào đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22/9/1788, trong bối cảnh quân Áo đang trong cuộc chiến chống lại Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kì ngày nay). Trận đánh diễn ra trong bối cảnh quân Áo đang trong cuộc chiến chống lại Đế quốc Ottoman. Khoảng 100.000 quân Áo dưới sự dẫn dắt của Hoàng đế Joseph II quyết định nghỉ chân tại thành phố Carancebes sau cuộc hành quân đêm. Quân lính lập trại trước dòng sông Timis để nghỉ ngơi, trong khi một toán lính tiên phong gồm các kỵ binh băng qua sông để thám thính tình hình. Không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của quân Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm lính này tìm đến chỗ người Digan gần đó để mua rượu rồi ngồi uống cùng nhau. Không thấy lính tuần tra trở về, một nhóm lính bộ binh vượt sông để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra thì phát hiện đồng đội mình đang no say. Nhưng bất ngờ đã xảy ra, khi nhóm lính này ngỏ ý xin chút rượu, các kỵ binh chẳng mảy may quan tâm và tiếp tục cuộc vui của mình. Cả hai bên xảy ra cự cãi, xô xát. Tiếng súng đe dọa vang lên. Sự việc đến đây chưa có gì là quá phức tạp. Câu chuyện chỉ rẽ sang hướng khác khi chẳng biết từ đâu cất lên tiếng gào: "Quân Thổ ! Quân Thổ !". Tưởng địch tới thật, cả bộ binh lẫn kỵ binh đều không màng tranh cãi nhau nữa mà hốt hoảng bơi về doanh trại. Trận chiến ngớ ngẩn nhất lịch sử. Tại đây, tình hình bắt đầu trở nên hỗn loạn. Khi vị sĩ quan người Đức trấn tĩnh đoàn quân bằng tiếng mẹ đẻ: "Halt ! Halt !" (Dừng lại ! Dừng lại !), binh lính không biết tiếng Đức lại nghe thành: "Allah ! Allah !" mà tưởng rằng người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi đang tấn công. Không chần chừ, tất cả quân lính nạp đạn rồi xả vào bóng tối, vì nghĩ rằng quân Thổ đang ở khắp mọi nơi, không hề biết rằng họ đang bắn vào đồng đội của mình. Thậm chí, chỉ huy người Áo trong tình hình nguy cấp còn ra lệnh cho pháo binh khai hỏa. Trận chiến chỉ kết thúc khi quân Áo quyết định rút lui khỏi... chính họ, để rồi nhận ra sau lưng mình chẳng có quân Thổ nào hết. Trời sáng cũng là lúc cảnh tượng chết chóc hiện ra. Khoảng 10.000 quân Áo bị thương vong. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở đó. Hai ngày sau, quân Thổ Nhĩ Kỳ đích thực mới kéo tới và dễ dàng chiếm trọn Carancebes trước sự bất lực của quân Áo. Trong lịch sử, những cuộc tranh đấu kiểu "quân ta đánh quân mình" do nhầm lẫn như trên được gọi là "hỏa lực thân thiện" (friendly fire), dù kết cục mà nó đem lại chẳng "thân thiện" chút nào. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV