Chị Nguyễn Thị Quỳnh Viên (quận Bình Tân, TP HCM) dành phần lớn thời gian trong khu vườn rau hữu cơ hơn 3.000 m2 với giàn bầu, bí, mướp và các loại cây ăn lá xanh tươi. Dáng mảnh khảnh, mặc áo thun và đi ủng như một nông dân thực thụ, chị chỉ vào luống rau giải thích: “Trồng hữu cơ nên rau sẽ không có màu xanh mướt mà hơi ngả qua lá mạ, nhưng bù lại rất thơm và ngọt”. Để có được tiêu chí “sáu không” của vườn, thạc sĩ sinh năm 1978 đã nỗ lực nghiên cứu và thử nghiệm từ năm 2010. Không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, chị Viên phòng bệnh cho rau bằng vi sinh. Mỗi tuần, chị phun các chủng vi sinh vào đất một lần. Các sinh vật sống siêu nhỏ này đẩy nhanh quá trình tự phân giải của đất để màu mỡ hơn. Rau hấp thụ dưỡng chất sẽ khỏe mạnh và có sức đề kháng sâu bệnh. Chị Viên cũng sử dụng ký sinh bám vào trứng sâu, kết hợp các thực phẩm thiên nhiên như hạt trà xanh xay, dầu tỏi để ngừa ốc sên hay loài sâu hại khác. Có thời gian rảnh là nữ thạc sĩ chuyên ngành Hóa học lại ra vườn nhổ cỏ. Không dùng thuốc nên việc diệt cỏ hoàn toàn thủ công bằng sức người, huy động từ chủ cho đến nhân viên, tình nguyện viên. Chị cười tươi: “Mình cứ chăm chỉ nhổ kỹ thì cỏ không để lại được hạt giống để mọc lên”. Để đảm bảo nguyên tắc thứ hai là không trồng trên đất và nước ô nhiễm hoá chất công nghiệp, trước khi gieo hạt, chị Viên đem mẫu đi kiểm tra để đảm bảo chỉ số kim loại nặng, hóa chất tồn dư trong đất không vượt quá ngưỡng cho phép của Bộ Nông nghiệp. Cẩn thận hơn, cứ mỗi năm chị kiểm tra lại và vui mừng nhận ra, càng canh tác thuận tự nhiên, đất ngày càng nhiều dinh dưỡng. Khi ươm mầm xong, đưa ra vườn trồng, cây dễ bị đứt rễ. Việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng sẽ giúp cây bén rẽ xuống đất mới nhanh hơn. Để khắc chế việc này, ngay cạnh vườn rau chị dựng nên một nhà ươm nhỏ, trồng cây trong bầu đất trước rồi chuyển ra vườn, nhờ vậy giữ nguyên vẹn rễ và không cần dùng thuốc. Nói không với phân bón hóa học, chị tận dụng lá rau vàng, cỏ kết hợp vi sinh tạo thành phân bón tự nhiên. Chị cũng tự ủ phân bò với nguồn cung cấp từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Bến Tre, mỗi tháng vận chuyển lên thành phố một lần. “Mình lo ngại việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi nên cần tìm nguồn đảm bảo”, chị Viên cho biết. Đến năm 2018, chị sử dụng thêm phân ruồi giấm từ một người bạn, với quy trình sản xuất hoàn toàn hữu cơ: con nhộng ruồi ăn bã bia tạo thành phân có hàm lượng độ đạm cao và chứa nhiều enzim, vitamin… “Trồng rau hữu cơ thì sử dụng giống địa phương và hợp thổ nhưỡng, khí hậu là điều rất quan trọng”, chị Viên lý giải quy tắc thứ 5 của vườn rau là không sử dụng giống biến đổi gen. Với giống địa phương, năng suất có thể thấp hơn nhưng ưu điểm là kháng bệnh tốt. Biết được cây biến đổi gen thì không có hạt, cứ có dịp ăn rau củ ngon ở các tỉnh, chị lại xin hạt về trồng thử nghiệm và duy trì lấy giống. Với các loại rau ăn lá thì trước khi trồng chị đem thử nghiệm GMO tại đại học Nông lâm TP HCM. Sau 40-45 ngày rau thu hoạch và sơ chế ngay tại luống, giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói rồi phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9h, đảm bảo nguyên tắc cuối cùng là không sử dụng chất bảo quản. Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Viên và vườn rau "sáu không". Ảnh: Nguyên Thanh. Mỗi ngày trung bình vườn rau thu hoạch 70 kg, bán 80.000 đồng mỗi kg rau và 60.000 đồng mỗi kg củ quả. “Nhiều người chê đắt hơn giá thị trường, mà đâu biết mình tốn công chăm sóc và thời gian thu hoạch cũng lâu gấp đôi so với rau dùng các loại phân hóa học”, chị trầm ngâm. Lúc bắt tay vào nghiên cứu đề tài ứng dụng vi sinh năm 2010 để lấy bằng Tiến sĩ, chị chẳng bao giờ nghĩ rằng cuộc đời sẽ đưa đẩy mình đến với nông nghiệp sạch. Góp vốn chung với một người bạn trồng thử rau ở một mảnh đất nhỏ tại Long An, chị muốn quan sát quá trình vi sinh tác động đến rau củ như thế nào, và phải không có sự can thiệp của hóa chất. Đến mùa sâu bệnh, các hộ xung quanh đều phun thuốc, mảnh vườn hữu cơ của chị trở thành “miếng mồi ngon” khi không có biện pháp phòng ngừa nào. Đất sử dụng vi sinh cũng không có kết quả bởi nhiễm hóa chất từ các vườn kế bên. Chị Viên lờ mờ nhận ra, trồng rau sạch là không thể, nếu môi trường xung quanh không sạch. Dự án rơi vào bế tắc, chị cùng bạn đành bỏ cuộc. Hơn một năm sau, trong lần đi thăm họ hàng, chị tình cờ phát hiện mảnh đất nhỏ ở quận Tân Bình nằm hoàn toàn biệt lập, không chịu sự tác động nào, nhưng cũng vì thế mà đất khô, ít mùn. Đam mê quay trở lại, chị quyết tâm dồn tiền thuê trong 20 năm và bắt tay cải tạo đất bằng việc phun vi sinh. Vốn chẳng phải con nhà nông mà kinh nghiệm chỉ đến từ việc học hỏi, tìm hiểu từ thầy cô, bạn bè, những lứa rau đầu năng suất thấp, cây còi cọc, nhưng chị vẫn tự hào rau sạch và được người quen yên tâm mua ủng hộ. “Để có nguyên tắc sáu không là một quá trình, cứ đụng khó khăn là mình khắc phục dần”, chị nhớ lại. Đó là những ngày mọi công đoạn đều hoàn toàn làm bằng tay, từ tỉa hạt, nhổ cỏ, ủ phân… Cứ không có giờ lên lớp là chị cắm cúi ở vườn cho đến tối mịt mới về nhà. Rồi cả gia đình chị chuyển đến ở ngay vườn rau để tiện canh tác. Phải hơn hai năm sau, vào năm 2012, hệ sinh thái mới đi vào ổn định và phát triển, rau thu hoạch nhiều hơn nên chị đem bỏ mối cho các cửa hàng để lấy tiền duy trì mô hình. Ông xã hết lòng ủng hộ và mày mò đặt làm các loại máy giúp tỉa hạt, đục lỗ hay bắt bọ để vợ bớt vất vả. Năm 2015 có thể coi là bước ngoặt khi chị Viên gặp thạc sĩ, bác sĩ dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp. Vốn cũng đam mê rau sạch, chị Diệp tìm đến vườn để học quy trình trồng rau, cần mẫn làm vườn hơn nửa năm, rồi dần trở thành người phụ trách việc xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Thương hiệu Happy Vegi ra đời từ đó với 5 nhân viên, hiện cung cấp cho 12 cửa hàng rau sạch trong thành phố. Thay vì tiếp tục mở rộng quy mô tại Tân Bình, chị Viên lại đầu tư vào nghiên cứu trồng rau ưa ẩm như cần nước, rau muống nước… ở mảnh vườn tại Củ Chi và rau ôn đới ở Măng Đen, Kon Tum, với mong muốn xây dựng quy trình trồng rau sạch hợp với điều kiện tự nhiên ở từng nơi. “Có làm mới thấu hiểu nỗi vất vả khi trồng rau sạch mà lại không nhận được sự thấu hiểu của khách hàng. Vì thế, mình muốn nhân rộng, chuyển giao quy trình trồng đến với nông dân ở nhiều địa phương, để việc trồng trọt bớt vất vả và người tiêu dùng có nhiều rau sạch hơn”. Vườn rau của chị cũng mở cửa 24/24 đón tiếp khách tham quan, tình nguyện viên quốc tế hay các buổi giáo dục về nông nghiệp sạch dành cho học sinh. Tháng 4/2018, chị Viên sẽ triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc với ứng dụng QR code, giúp khách hàng khi nhận rau có thể kiểm tra ngày rải vi sinh, vị trí luống rau, thời gian thu hoạch… bằng điện thoại thông minh. Nâng niu bó rau bọc trong lớp túi mờ, chị khoe túi đựng được đặt làm riêng từ cây khoai mì nên có thể tự phân hủy, rồi lại trầm ngâm: “Nhiều khách hàng mua rau sạch nhưng muốn đựng trong túi nilon nhựa trong để dễ lựa rau. Bởi vậy điều mình luôn mong mỏi là nâng cao hơn nữa ý thức của mọi người về rau sạch và các sản phẩm hữu cơ”. Nguyên Thanh Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress