Vụ bê bối rò rỉ hơn 50 triệu dữ liệu người dùng Facebook đang khiến không ít thành viên mạng xã hội này lo ngại. Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc dữ liệu của mình bị khai thác như thế nào, sử dụng cho mục đích gì và ai sử dụng hay không? Cách bên thứ ba thu thập dữ liệu người dùng Facebook Khi đăng ký Facebook, mạng xã hội sẽ thu thập tên, tuổi, giới tính, email, số điện thoại... Trong quá trình sử dụng, dữ liệu vị trí, hình ảnh... cũng sẽ được Facebook lưu trữ, nhằm phục vụ cho các mục đích riêng, từ định danh người dùng, đề xuất nội dung phù hợp cho đến quảng cáo. Bên cạnh đó, dữ liệu này còn được Facebook chia sẻ cho các nhà phát triển, công ty đối tác bên thứ ba. Với hơn 2 tỷ người dùng, Facebook là kho chứa dữ liệu khổng lồ. Trong khoảng từ 2007 đến 2013, nền tảng Facebook Platform cho phép bên thứ ba thoải mái trích xuất thông tin không chỉ một tài khoản người dùng, mà còn có thể thu thập dữ liệu của những người có kết bạn với tài khoản đó. Ví dụ, bạn có 2.000 bạn bè, ứng dụng bên thứ ba thông qua Facebook Platform có thể thu thập được thêm thông tin của 2.000 người khác chỉ từ tài khoản của bạn. Như vậy, nếu bạn bè càng nhiều, dữ liệu thu được sẽ tăng theo cấp số nhân. Facebook đã mất gần 7 năm để nhận ra nguy cơ tiềm ẩn về rò rỉ dữ liệu và đã siết chặt sau đó (năm 2014) bằng cách đưa thêm tùy chọn phải có sự đồng ý của người dùng mới lấy được thông tin. Nếu từng sử dụng ứng dụng từ bên thứ ba, chắc hẳn bạn từng được "hỏi" có cho phép truy cập vào hình ảnh, dòng thời gian, danh sách bạn bè... hay không. Lúc này, thông tin vẫn bị thu thập nhưng đã có sự đồng ý của người dùng. Dữ liệu người dùng có thể bị thu thập thông qua những lần check-in. Ngoài ra, hội nhóm hay trang (fanpage) cũng là công cụ thu thập thông tin khá hữu hiệu. Việc thích, theo dõi hay gia nhập đều là hành động "dâng" dữ liệu cho bên thứ ba. Facebook không cho phép làm như vậy, song vẫn có các công cụ có thể trích xuất được. Làm gì với dữ liệu có được Thông thường, dữ liệu sau khi thu thập sẽ được bán cho các nhà quảng cáo. Phổ biến nhất là quảng cáo định hướng. Ví dụ, trong dữ liệu có các hình ảnh và địa điểm ăn uống bạn thường xuyên lui tới. Sau khi phân tích, sẽ có những địa chỉ cửa hàng xung quanh địa điểm đó, hoặc các món ăn tương tự được gợi ý ngay trên newsfeed của bạn. Bên cạnh đó, tin nhắn rác hay email spam là vấn nạn từ xưa đến nay, một phần cũng do dữ liệu mà bên thứ ba bán ra. Với số điện thoại, email, tên tuổi có sẵn, việc nhà quảng cáo cần làm duy nhất: gửi nội dung hàng loạt đến danh sách có sẵn và điều này được thực hiện tự động thông qua phần mềm chuyên dụng. Nghiêm trọng hơn, dữ liệu được bán cho các tổ chức tài chính, tín dụng, mua bán nhà đất... Từ đây, các tổ chức bắt đầu phân tích số liệu để "hiểu" bạn trước khi bạn tìm đến họ. Không ngạc nhiên nếu một ngày, bạn tìm đến một tổ chức cho vay tín dụng và được vay vốn ngay lập tức, trong khi người bạn đi cùng phải làm rất nhiều thủ tục. Điều này có được là bởi các tổ chức đó thông qua dữ liệu mua được đã đánh giá điểm tín dụng, khả năng thu hồi vốn... của bạn cao hơn. Trong tuyển dụng, dữ liệu Facebook cũng rất quan trọng. Nhà tuyển dụng có thể thông qua trạng thái chia sẻ, ảnh chụp, cột mốc công việc... để xác định xem ứng viên có những điểm mà mình hài lòng hay không. Dữ liệu người dùng sau khi bị bán sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Ở cấp độ cao hơn, dữ liệu thậm chí có thể được bán cho các nhà hoạt động chính trị nhằm định hướng dư luận hay phát tán thông tin có lợi. Vụ bê bối của Facebook, mà cụ thể ở đây là Cambridge Analytica đã được thuê vào tháng 6/2016 để phân tích thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook trước giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, sau đó tác động đến cuộc bầu cử đã thể hiện rõ điều này. Cuối năm 2017, Facebook đã bị cáo buộc đã hiển thị và lan truyền nội dung quảng cáo có lợi cho Donald Trump. Không ít nhà phân tích cũng cho rằng chiến thắng của Tổng thống Trump là nhờ vào mạng xã hội. Tất nhiên, khi dữ liệu đã được chia sẻ lên Facebook cũng đồng nghĩa với bạn đã mất kiểm soát chúng. Do đó, chỉ có cách xóa tài khoản bạn mới "thoát" được việc bị thu thập dữ liệu. Thế nhưng, đó chỉ là giải pháp cho hiện tại và tương lai, bởi Facebook và bên thứ ba chưa "quên" bạn đã từng chia sẻ những gì trong quá khứ. Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook được báo chí đăng tải ngày 17/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử. Bảo Lâm Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ