Facebook đã quá muộn để rút kinh nghiệm

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Mar 22, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 185)

    CEO Facebook vừa nhận trách nhiệm về mình trong vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng sau nhiều ngày im lặng. Trong bài đăng, ông nhấn mạnh sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự cố tương tự xảy ra trong tương lai, cũng như có những bước đi giúp các bên thứ ba không bán dữ liệu của người dùng một lần nữa.

    [​IMG]

    Facebook đã quá muộn để sửa sai vấn đề rò rỉ dữ liệu người dùng.

    "Trước tiên, Facebook sẽ điều tra và phân tích kỹ tất cả các ứng dụng đang có quyền truy cập vào thông tin người dùng từ năm 2014 và tiến hành loại bỏ các ứng dụng đáng ngờ. Chúng tôi cũng cấm bất kỳ nhà phát triển nào chưa kiểm tra ứng dụng kỹ lưỡng đã khai thác nền tảng Facebook. Các nhà phát triển có ứng dụng lạm dụng thông tin cá nhân cũng sẽ bị 'cấm cửa' thời gian tới", Mark nhấn mạnh.

    Theo Motherboard, đây có vẻ là ý tưởng hay, nhưng Facebook đã "mất bò mới lo làm chuồng", khi lượng dữ liệu rò rỉ cực kỳ lớn. Ngoài 50 triệu dữ liệu người dùng Mỹ, còn rất nhiều thứ tương tự thất thoát trong quá khứ.

    Woodrow Hartzog, tác giả của cuốn Kế hoạch bảo mật: Trận chiến Kiểm soát Thiết kế các công nghệ mới (Privacy’s Blueprint: The Battle to Control the Design of New Technologies), cho rằng, người dùng nên giả định rằng trong dữ liệu bị đánh cắp có thông tin cá nhân của mình để nâng cao ý thức bảo vệ.

    Trên thực tế, điều này không phải là không xảy ra. Khi chơi trò chơi, sử dụng các ứng dụng bói toán, xem tính cách... được cung cấp từ bên thứ ba là người dùng đã tự "dâng" dữ liệu. Từ trước đến nay, các ứng dụng dạng này vẫn có nhiệm vụ chính là khai thác, thu thập và bán dữ liệu cho bên cần mua khác, hoàn toàn không có tác dụng gì với người dùng. Từ nay về sau, Facebook có thể cấm các loại ứng dụng này, nhưng ai dám chắc trước đó đã có bao nhiêu thông tin cá nhân đã mất. Dữ liệu dù vài năm tuổi không có nghĩa là sẽ không còn hữu ích.

    "Việc bán dữ liệu trên danh nghĩa được Facebook cho phép đối với ứng dụng cũ cách đây nhiều năm có thể lỗi thời, nhưng bạn hoàn toàn sử dụng chúng được cho hệ thống mới", Alan Mislove, nhà nghiên cứu về hoạt động môi giới dữ liệu trên nền tảng Facebook thuộc Đại học Northeastern, cho biết.

    Ví dụ, một nhà phát triển bên thứ ba tạo ra ứng dụng "Màu sắc phù hợp với tính cách của bạn". Khi chơi, ứng dụng yêu cầu truy cập vào tên, ngày sinh, số điện thoại, tình trạng hôn nhân, lịch sử cập nhật trạng thái... Bạn nhấn đồng ý và chơi ứng dụng này, sau đó nhận ra chúng thu thập quá nhiều dữ liệu và hủy liên kết tài khoản, hoặc ứng dụng tự bị xóa do không còn hợp với điều khoản người dùng của Facebook. Bạn có nghĩ dữ liệu mà bạn đã từng cung cấp sẽ bị xóa theo hay không? Câu trả lời là không, chúng vẫn giữ trong cơ sở dữ liệu của bên tạo ra ứng dụng, nhưng không trực tuyến nữa mà thôi. Đến một ngày, chúng vẫn được rao bán, vẫn có ích nếu những thứ bạn cung cấp là thật.

    Facebook hứa sẽ can thiệp sâu hơn vào các ứng dụng dạng trên, nhưng chắc chắn rất khó để kiểm soát các ứng dụng đã bị "khai tử". Bạn có nhớ mình đã chơi bao nhiêu ứng dụng kiểu như "Đoán tính cách của bạn", "Bạn lấy chồng năm bao nhiêu tuổi", "Vợ/chồng tương lai của bạn là ai", "Ai truy cập Facebook của bạn nhiều nhất"... từ năm 2011 đến nay? Nếu không nhớ rõ, đồng nghĩa thông tin cá nhân mà bạn đã chia sẻ đã rất nhiều.

    Sau một thời gian để các ứng dụng trên "tung hoành", hành động sửa sai mà Mark đưa ra có vẻ như đã quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Tuy nhiên, lỗi một phần cũng đến từ sự dễ dãi của người dùng. Trách nhiệm bảo vệ người dùng của Facebook là điều đương nhiên và cần phải làm thời điểm này, song người dùng cũng cần tỉnh táo hơn để không bị lợi dụng.

    Bảo Lâm

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Facebook đã quá muộn để rút kinh nghiệm

Share This Page