Facebook đang đối mặt với bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng phải mất 5 ngày sau, Mark Zuckerberg mới lên tiếng lần đầu tiên. Tuy nhiên, ông chỉ dừng lại ở các câu nói "lấy làm tiếc" và "thừa nhận sai lầm" trong các bài phát biểu, không nói lời xin lỗi. CEO Facebook đang bất lực với chính "con quái vật" do mình tạo ra? Thay vào đó, ông đưa ra ba điểm để khắc phục vấn đề: Khởi động điều tra toàn bộ hệ thống, xem xét tất cả các quyền mà ứng dụng (bao gồm ứng dụng bên thứ ba) có thể truy cập từ 2014 và thắt chặt vấn đề này; Các ứng dụng bên thứ ba sẽ bị hạn chế tính năng truy cập vào tên, địa chỉ email, tiểu sử và hình ảnh; Người dùng có thể được cấp một ứng dụng cho phép theo dõi, quản lý dữ liệu của họ. Tuy nhiên, cả ba điểm đều không hề nhắc đến việc chịu trách nhiệm với dữ liệu đã rò rỉ. Bài chia sẻ của Mark Zuckerberg trên trang cá nhân Trên thực tế, tuyên bố của Mark có thể đang muốn đưa người dùng sang một hướng suy nghĩ khác, hoặc ông đã hiểu lầm trên chính nền tảng mà mình đã tạo ra. "Ông ta đề cập đến Facebook như một 'cộng đồng' và nhấn mạnh điều này. Nhưng cụm từ đó có lẽ đã không còn phù hợp với Facebook", nhà báo Mark Serrels của Cnet nhận xét. Theo thống kê đầu năm nay, hiện có khoảng hơn 2,2 tỷ người đang sử dụng Facebook, chiếm 31% dân số toàn cầu. Có thể xem đây là một mô hình thế giới mới. Tuy nhiên, Serrels cho rằng thế giới này đang bị thao túng bởi những người giàu có và quyền lực. Trong quá khứ, nền tảng này đã được dùng để định hướng phục vụ cho các chiến dịch bầu cử, là nơi tin tức giả mạo lan truyền một cách thoải mái mà không bị trừng phạt, là nơi một ứng viên tổng thống được tính chi phí quảng cáo ít hơn so với người bình thường... Năm ngoái, Trump được cho là thắng cử nhờ mạng xã hội, chủ yếu là Facebook và Twitter. Cũng chính mạng này tác động lên cuộc trưng cầu dân ý của người Anh về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và nó đã cho thấy sự tác động trong việc định hình lại một lục địa. "Quyền lực thể hiện thông qua những cú nhấp chuột. Bạn có cho rằng nó là cộng đồng nữa hay không? Theo tôi, nó đã trở thành cái gọi là 'vũ khí', một thứ vũ khí nguy hiểm", Serrels nhấn mạnh. Theo BGR, thông thường, dữ liệu người dùng sau khi thu thập sẽ được Facebook bán cho các nhà quảng cáo, dù theo hình thức này hay hình thức khác - điều mà Google, Twitter và các dịch vụ trực tuyến khác đang làm để duy trì sự "miễn phí". Người dùng chấp nhận đánh đổi điều này, song cũng cần biết dữ liệu của họ đã được dùng để làm gì, có phù hợp, an toàn hay không, chứ không phải để bị lợi dụng cho các mục đích mờ ám phía sau. Tuyên bố của Mark không đề cập đến việc xin lỗi hoặc né tránh câu nói đó mà không rõ lý do là vấn đề nghiêm trọng. "Phải chăng chính CEO Facebook lại không hiểu Facebook, hay đang sợ phải đối đầu với con 'quái vật' do chính mình tạo ra. Có cảm giác một điều gì đó nghiêm trọng đang đến", Serrels lo ngại. Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook được báo chí đăng tải ngày 19/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự vụ gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử. Bảo Lâm Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ