Khối u có kích thước 32x33 mm được bác sĩ xác định là thủ phạm khiến ông Văn giảm cân đột ngột lại đi ngoài ra máu. Sau nhiều lần sinh thiết, ông Văn được chẩn đoán bị ung thư đại tràng giai đoạn hai, chỉ định nội soi cắt nửa đại tràng trái. Trước đó bệnh nhân không có biểu hiện nào bất thường, tiền sử gia đình không có người bị ung thư. So với các loại ung thư đường tiêu hóa khác, tỷ lệ chữa khỏi ung thư đại trực tràng cao hơn. 40-60% bệnh nhân sống trên 5 năm. Bệnh phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì khả năng sống càng cao. Tuy nhiên do dấu hiệu của bệnh không đặc trưng nên thường bị bỏ qua, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Theo tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư đại tràng là một trong những bệnh ung thư thường gặp, đứng thứ ba ở nam và thứ hai ở nữ. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,36 triệu ca mắc mới, trong đó có gần 700.000 bệnh nhân tử vong. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng đứng thứ tư trong số 10 bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới với số mắc mỗi năm khoảng 8.000 ca, dự kiến đến năm 2020 sẽ hơn 13.000 người. Ở nữ, loại ung thư này đứng thứ hai với khoảng hơn 6.000 ca mỗi năm, dự kiến đến năm 2020 tăng lên hơn 11.000 bệnh nhân. Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất (mổ mở và mổ nội soi). Bạn nên nghĩ đến ung thư đại trực tràng khi có dấu hiệu bị: rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu; đau bụng dai dẳng, đầy hơi, buồn nôn; giảm cân nhanh và mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Để phòng bệnh người dân nên: - Không dùng quá nhiều thịt (đặc biệt thịt đỏ), chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật. - Bổ sung chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau xanh. - Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, vận động thường xuyên. - Khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Hà An Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress