Thú chơi 'bẫy' âm bằng ống giấy của dân chơi âm thanh

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Mar 22, 2018.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 194)

    Thời gian gần đây, vợ của anh Nguyễn Chí Tuyến (36 tuổi) ở Hạ Long, Quảng Ninh, thường xuyên "lườm nguýt, xuýt xoa" khi thấy chồng mình dồn tâm trí vào việc mua sắm, tháo lắp và cắt xẻ những đoạn ống nhựa, ống giấy khắp nhà. Dù biết đây là việc phục vụ cho sở thích chơi âm thanh của chồng mình, chị vẫn cảm thấy không thoải mái khi thấy anh bỏ tiền mua về một đống đồ "đồng nát" rồi ngồi hì hục cắt ra, tháo lắp rồi lại vứt bỏ đi không ít. "Tôi đang làm thiết bị tiêu âm, nhưng trong mắt vợ lại là công việc vừa mất công vừa bẩn tường", anh Tuyến kể.

    [​IMG]

    Thiết bị "bẫy" âm được làm từ ống giấy.

    Là một bác sĩ, anh Tuyến lại có sở thích đặc biệt với dàn âm thanh và đã bước chân vào thú chơi này được hơn một năm nay. Cách đây vài tháng, anh bắt đầu tìm hiểu và hứng thú với những thiết bị tự chế dùng để tiêu âm, tán âm mà dân chuyên thường gọi bằng cái tên "bẫy" âm để tăng chất lượng phòng nghe. Trong đó, đơn giản nhất là sử dụng một hệ thống các ống rỗng gắn liền nhau để xử lý âm trầm.

    Ban đầu chưa hiểu rõ nguyên lý, anh mua ống nhựa về cắt và ghép, sau đó dính vào các góc tường. Kết quả là âm thanh trong phòng nghe càng thêm hỗn loạn. Sau vài ngày mày mò thử nghiệm, cuối cùng anh đã phải tháo và gỡ bỏ toàn bộ.

    Sau thất bại này, anh đầu tư thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về nguyên lý, cũng như tham khảo ý kiến của nhiều người chơi khác trong hội nhóm về âm thanh và chuyển sang sử dụng ống giấy với các đoạn ống được cắt dài hơn trước. Qua thử nghiệm, kết quả đem lại khá khả quan khi phòng nghe tĩnh và âm thanh thoát ra tự nhiên hơn.

    Anh Tuyến tâm sự, niềm vui của những việc làm này là quá trình tự suy nghĩ, tự làm, tự tìm nguyên lý rồi suy luận. Tuy không tốn kém nhiều về tiền bạc bởi ống giấy rất rẻ tiền, thậm chí có thể xin được, quá trình thực hiện vẫn mất khá nhiều thời gian, công sức.

    Theo anh, các góc tường là nơi bị cộng hưởng âm thanh nhiều nhất. Trong khi chế tác cần nghe từ từ để cảm nhận sự đủ, thiếu để bổ sung hay bớt đi các ống giấy, chọn vị trí đặt ống sao cho phù hợp. Những chia sẻ này sau đó được anh chia sẻ lên mạng xã hội, nhanh chóng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của rất nhiều người, đặc biệt là các thành viên cũng mới bắt đầu gắn bó với đam mê này như anh.

    Anh đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống "bẫy" âm của mình, sơn màu cũng như tinh chỉnh để cho nó hoàn cùng với nội thất của phòng nghe. Còn về gia đình, anh cho biết trên thực tế vợ anh rất ủng hộ nhưng "thấy chồng hay lọ mọ nên thỉnh thoảng kêu ca tí thôi".

    [​IMG]

    Dàn âm thanh của anh Tuyến với loa AR4x, ampli Lo-D HA-7700 và đầu CD Pioneer T06. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

    Cũng như anh Tuyến, anh Hoàng (Hà Nội) mấy ngày gần đây cũng đang tìm chỗ mua ống giấy cũ tại các cửa hàng photocopy, in đề can, in phông bạt... gần nhà để làm theo những chia sẻ về vật dụng tiêu âm tự chế đang rầm rộ trong cộng đồng chơi âm thanh thời gian gần đây.

    "Do chưa có khả năng nâng cấp dàn âm thanh nên việc cải thiện phòng nghe bằng các thiết bị tiêu âm, tán âm là biện pháp đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả", anh cho biết.

    Trên các nhóm chơi âm thanh trên mạng xã hội gần đây, các thiết bị "bẫy" âm tự chế bỗng nhiên được quan tâm đặc biệt bởi ngày càng có nhiều người chia sẻ các thiết bị tự làm của mình, kéo theo nhiều bình luận góp ý. Trên thị trường, các thiết bị tiêu âm, tán âm chuyên nghiệp không hề nhỏ, nhưng nếu tự làm bằng ống giấy như anh Tuyến hoặc anh Hoàng thì lại rất rẻ. Tuy nhiên, phải làm đúng nguyên liệu, độ dài và đường kính ống. "Các thông tin chia sẻ về thiết bị tự chế này khá hữu ích, giúp tôi có thêm động lực để tự tay chế tạo thay vì tìm đồ làm sẵn", Nam Thành, một người chơi âm thanh cho biết.

    [​IMG]

    Một phòng nghe với nhiều thiết bị "bẫy" âm tự chế. (Ảnh: Nhóm Đam mê vô tận/Facebook).

    Các thiết bị tiêu âm, tán âm tự chế từ lâu đã không còn là khái niệm xa lạ với người chơi âm thanh. Khi hệ thống âm thanh được sử dụng trong một không gian khép kín gọi là "phòng nghe", các tính chất âm học như dội âm, âm phản xạ, sóng đứng... của căn phòng sẽ ảnh hưởng một cách sống còn đến chất lượng âm thanh.

    Có 4 mục tiêu chính trong xử lý âm học: Ngăn sóng đứng (standing wave) và nhiễu âm làm ảnh hưởng đến đáp ứng tần số của phòng nghe hoặc phòng thu âm; giảm hiện tượng ù trong phòng nhỏ và giảm thời gian dội âm trong phòng thu/thính phòng lớn; tiêu hoặc tán âm trong phòng để tránh hiện tượng ù, tiếng vọng; tránh cho âm thanh lọt ra ngoài phòng, nghĩa là không gây ảnh hưởng đến hàng xóm và tạp âm bên ngoài không chui vào phòng nghe/phòng thu.

    Những người chơi âm thanh có kinh nghiệm thường xử lý phòng nghe của mình bằng các thiết bị "bẫy" âm như trên, được làm từ các nguyên liệu như mút gai, xốp hay gỗ. Đôi khi nó cũng có thể là các vật dụng được làm bằng đá, kim loại hoặc các vật liệu cao cấp khác.

    Điều quan trọng ở đây là cách tính toán khoảng cách để đặt bộ dàn, các tấm tiêu âm, tán âm ở vị trí nào trên tường, dùng đệm trải sàn, ốp trần nhà, đặt cột tiêu âm trầm ở các góc nhà ra sao để đạt hiệu quả cao nhất. Độ phức tạp, chi tiết của thiết bị hay mức độ cao cấp của nguyên liệu cấu thành cũng một phần thể hiện đẳng cấp khác biệt giữa dân chơi âm thanh.

    [​IMG]

    Một phòng nghe nhạc tiêu chuẩn đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó có vật liệu thiết bị tiêu, tán âm.

    Tuy nhiên, anh Quang Huy, chủ cửa hàng Techland, một người có nhiều kinh nghiệm về âm thanh lại cho rằng các thiết bị tự chế thực sự không mang lại nhiều hiệu quả. Chúng cũng thua kém khá xa so với sản phẩm của các hãng sản xuất vật liệu thiết bị tiêu tán âm.

    "Những vật liệu, thiết bị tự chế chỉ mang lại hiệu quả tích cực đôi chút để cải thiện không gian nghe nhạc nhưng nhược điểm sẽ làm giảm đáng kể thẩm mỹ thiết kế của căn nhà. Thay vào đó, người chơi nên chọn lựa công suất loa phù hợp với diện tích phòng. Tiếp đó, tận dụng tối đa đồ đạc vật liệu trang trí có sẵn cho phòng như rèm cửa dày, thảm, thiết bị đồ gỗ sẵn có. Một điều quan trọng nữa không thể thiếu là kê kích loa ở vị trí tối ưu nhất. Việc kê loa có thể thực hiện làm nhiều lần để tìm được vị trí phù hợp với căn phòng", anh nói.

    Cũng theo chia sẻ của anh Huy, nếu có điều kiện thì người chơi nên mua thiết bị tiêu tán "xịn" của những đơn vị có tên tuổi. Bản thân anh cũng gặp nhiều trường hợp khách hàng không tiếc tiền mua những bộ dàn đắt đỏ, nhưng lại không muốn đầu tư vào thiết bị tiêu âm dù tỷ lệ chi phí chiếm không quá lớn. Đại đa số người dùng vẫn loay hoay và nghe nhau tự chế ra các vật liệu, thiết bị này.

    "Để xử lý âm thanh cho phòng, ngoài thiết bị tiêu tán, nguồn điện, dây nguồn cắm cho thiết bị cũng liên quan đáng kể. Bản thân tôi, khi thiết lập các phòng nghe thường để ý đến nguồn điện và vật liệu xây dựng sẵn có để có thể khéo léo kết hợp lại", anh nói thêm.

    Còn với những người dùng có ngân sách vừa phải, anh Huy cho rằng nếu phòng không có đồ đạc, tường phẳng không rèm, không thảm, bàn ghế nhẵn không phải sô pha hay đệm vải mút thì có thể cân nhắc tới các thiết bị tiêu tán âm. Đây cũng là những dạng phòng khó xử lý nhất.

    Ngoài ra, các phòng nhỏ mà sử dụng loa to cũng sẽ gặp khó khăn với việc xử lý âm thanh. Chuyên gia này đưa ra lời khuyên với phòng nhỏ dưới 20m2, có đồ đạc, người dùng có thể cân nhắc dùng loa kệ sách (bookshelf).

    Bảo Nam

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Thú chơi 'bẫy' âm bằng ống giấy của dân chơi âm thanh

Share This Page