Những thương hiệu nổi tiếng quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ như bia Budweiser, chuỗi thức ăn nhanh Burger King hay tương cà Heinz… đều mang dấu ấn của tỷ phú người Brazil - Jorge Paulo Lemann. Với khối tài sản ước tính gần 29 tỷ USD, ông đứng thứ 27 trong danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới do Blomberg bình chọn năm 2018 và cũng là người giàu nhất Brazil. Là người sáng lập công ty quản lý quỹ 3G Capital, Lemann đứng sau những vụ mua bán sáp nhập (M&A) đình đám trong ngành công nghiệp thực phẩm tại Mỹ như bắt tay tỷ phú đầu tư Warren Buffett (Mỹ) mua lại thương hiệu tương cà nổi tiếng Heinz với giá 24 tỷ USD năm 2013. Lemann thừa hưởng sự kỷ luật và luôn theo đuổi mục tiêu của bố mình - ông chủ người Thụy Sĩ của nhà một máy sản xuất sữa, di cư đến Rio de Janeiro (Brazil) vào thế kỷ 20. Mặc dù thuộc tầng lớp trung lưu nhưng bố ông luôn nhắc nhở con mình những giá trị của việc lao động chăm chỉ và tiết kiệm. Khi ông đang tuổi thiếu niên thì người bố mất bởi tai nạn giao thông. Đam mê tennis mãnh liệt, Lemann dự định trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp với 5 lần vô địch quốc gia và đại điện cả Brazil lẫn Thụy Sĩ tham gia giải Davis Cup. Nhờ thành tích đó mà ông được nhận vào học tại Harvard, chuyên ngành kinh tế vào năm 1958, một điều hiếm thấy so với những thanh niên Brazil thời bấy giờ. Không tìm thấy động lực, ông dự định bỏ học nhưng được mẹ thuyết phục ở lại. Chán ngán việc học hành, Lemann đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành chương trình trong 3 năm, trong khi sinh viên các trường Ivy League danh tiếng thường cần 4 năm để tốt nghiệp. Bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi ông quay trở về quê nhà trong một dịp nghỉ lễ và gặp một cơn bão mạnh ở biển khi đang lướt sóng. "Tôi mắc kẹt trong những cơn sóng dữ, to lớn và mạnh mẽ chưa từng có. Cảm giác máu dồn xuống chân và căng thẳng tột độ nhưng cuối cùng cũng thoát ra khỏi nó thành công. Trải nghiệm đó đã đưa lại sự tự tin cho tôi mỗi khi đối mặt với rủi ro trong kinh doanh và cuộc sống", vị tỷ phú nhớ lại. Tỷ phú Brazil Jorge Paulo Lemann. Ảnh: AFP. Sau tốt nghiệp, ông làm việc cho công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Credit Suisse và viết bài trong mảng kinh doanh cho tờ báo lâu đời nhất Brazil, Jornal do Brasil. Năm 1966, ông nắm giữ 2% cổ phiếu của công ty Invesco, nhưng sau đó doanh nghiệp này phá sản. Mãi đến 5 năm sau, vào năm 1971, ông cùng hai người cộng sự Marcel Telles và Carlos Sicupira sáng lập nên công ty đầu tư Banco Garantia, lấy cảm hứng từ tập đoàn tài chính danh tiếng Goldman Sachs (Mỹ) và học hỏi theo hệ thống vận hành của công ty này. Trải qua 30 năm, Banco Garantia trở thành dự án thành công nhất tại Brazil và đã tạo ra một cuộc cách mạng kinh doanh ở đất nước Nam Mỹ. Lemann tuyển nhân viên dựa trên ba tiêu chí gồm hoàn cảnh khó khăn, thông minh và khát khao làm giàu. Thay vì trả lương cao, ông cho phép những nhân viên đạt thành tích tốt nhất có thể sở hữu cổ phần của công ty như một phần thưởng chứ không duy trì hình thức cũ là chỉ có quản lý cấp cao mới được nắm giữ cổ phần. "Lemann là một thiên tài. Ông mang đến một mô hình quản lý hình mẫu mà 100% tập trung vào việc khuyến khích nhân tài", đồng sáng lập Silveira nhận xét về người bạn của mình. Việc mô phỏng và phát triển theo các hình mẫu kinh doanh thành công là phong cách của Lemann và đồng sự. Sau khi đổ tiền mua lại chuỗi siêu thị Lojas Americanas, ông gửi thư đến các CEO trên thế giới với mong muốn được đến tham quan và học hỏi mô hình của họ và được ông chủ của chuỗi Walmat danh tiếng Sam Walton chấp thuận. Những kiến thức Lemann thu về từ đây đã giúp hồi sinh hệ thống siêu thị Lojas Americanas. Thế nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Á đã khiến công ty Banco Garantia rơi vào trì trệ và phải bán lại cho tập đoàn Credit Suisse vào năm 1998 với mức giá 675 triệu USD. "Đó là cú sốc tinh thần khi phải bán đi đứa con mà mình đã tạo dựng nên. Thất bại không là gì, nhưng đã cho tôi bài học về cách quản lý và không nên quá tham vọng dẫn đến kiêu căng", Lemann đánh giá. Từ số tiền có được, năm 1999, Lemann thành lập tập đoàn bia AmBev, một bước ngoặt mới trong sự nghiệp của ông. Năm 2004, AmBev sáp nhập cùng công ty bia Bỉ InterBrew với giá 11 tỷ USD để trở thành AmBev IB. Dưới sự dẫn dắt của Lemann, cổ phiếu công ty tăng hơn 40% chỉ sau một năm. 4 năm sau, công ty tiếp tục hợp nhất với thương hiệu Anheuser-Busch để trở thành Anheuser-Busch InBev, công ty bia lớn nhất thế giới. Chiếm lĩnh một phần tư thị trường bia toàn cầu, công ty sở hữu những thương hiệu xuyên lục địa như Budweier, Corona, Beck’s… cùng một loạt thương hiệu địa phương khác. Năm 1999 còn đánh dấu cột mốc quan trọng khác trong cuộc đời Lemann khi thành lập công ty đầu tư mạo hiểm 3G Capital. Trong khi các công ty khác kêu gọi vốn từ nhiều nguồn thì Lemann giữ mối quan hệ chặt chẽ với những gia đình siêu giàu tại Mỹ, Mỹ Latin và châu Âu. Nhà đầu tư vào 3G Capital gồm những tên tuổi nổi tiếng như tay vợt vô địch thế giới Roger Federer, gia đình tài phiệt Santo Domingo (Colombia), Reimann (Đức)… Tiếp tục mở rộng quy mô, Lemann mua lại chuỗi thức ăn nhanh Buger King, lúc này đang nợ nần chồng chất do thua lỗ vào năm 2010 với mức giá 4 tỷ USD. Việc mua lại hãng Heinz cũng là thương vụ lớn thứ 4 trong lĩnh vực F&B. Mặc dù hợp tác cùng mua nhưng tỷ phú Warren Buffett tin tưởng khả năng của Lemann đến mức giao toàn bộ việc phát triển Heinz cho ông. Dưới tài cầm quân của Lemann, hai thương hiệu này đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Vị tỷ phú này chưa có ý định dừng lại ở tuổi 79 khi tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư của mình bằng việc đứng trong nhóm quản lý cấp cao của hãng Gillette, thương hiệu quốc tế sản phẩm dành cho nam giới. Ông cũng sáng lập các tổ chức phi lợi nhuận như Fundacao Estudar, Lemann Institute for Brazilian Studies, tài trợ học bổng tại đại học Harvard nhằm hỗ trợ cho sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguyên Thanh (Theo World Finace) Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress