Đến cuối tháng 11/2017, Uniqlo có 1.974 cửa hàng khắp thế giới, trong đó 833 ở Nhật và 1.141 ở 17 quốc gia khác. Báo cáo tài chính vào tháng 8 cùng năm cho thấy doanh thu hợp nhất của tập đoàn Fast Retailing sở hữu thương hiệu này đạt 16 tỷ USD. Họ đặt mục tiêu doanh thu 60 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2017, Fast Retailing đứng thứ 32 trong danh sách những công ty sáng tạo nhất do tạp chí Forbes công bố. Người đứng sau đế chế thời trang dẫn đầu châu Á là Tadashi Yanai. Ông đứng thứ 55 trong danh sách người giàu nhất thế giới năm 2018 của Forbes với giá trị tài sản 19,5 tỷ USD. Tỷ phú nhiều năm là người giàu nhất nước Nhật, hiện xếp vị trí thứ hai, sau Masayoshi Son - chủ tịch tập đoàn Softbank. Gia đình Yanai nắm 44% cổ phần Fast Retailing. Ngoài Uniqlo, tập đoàn còn sở hữu hai chuỗi thời trang khác là J Brand và Theory. Tadashi Yanai sinh ngày 7/2/1949, có bằng cử nhân kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Waseda, tốt nghiệp năm 1971. Ra trường ông bắt đầu sự nghiệp bằng công việc bán đồ dùng nhà bếp và quần áo nam tại một siêu thị. Sau một năm, ông gia nhập cửa hàng may mặc của bố mà sau này trở thành Uniqlo. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu do Yanai dẫn dắt ra mắt vào 1984 tại thành phố Hiroshima, theo đuổi con đường giá rẻ và tiện lợi. Ban đầu công ty có tên "Unique Clothing Warehouse" (nơi cung ứng những trang phục độc đáo). Uniqlo ra đời từ sự kết hợp của các chữ này và phát âm tiếng Anh sẽ là "YOU-nee-klo". Những năm đầu thập niên 1990, nền kinh tế Nhật đi xuống. Khi đó, những trang phục giá rẻ của Uniqlo nhanh chóng trở nên thịnh hành. Đợt suy thoái diễn ra khoảng một thập kỷ tại xứ sở mặt trời mọc lại trở thành ưu thế cho Uniqlo trong tình cảnh người dân phải cố gắng thắt lưng buộc bụng, cắt giảm tối đa chi phí. Năm 1994, 10 năm kể từ ngày ra đời, Uniqlo mở rộng ra thành 100 cửa hàng. Hầu hết tăng trưởng đến từ các cửa hàng ở vùng ngoại ô Nhật Bản. Đến 1998, công ty trình làng dòng trang phục chất liệu nỉ và ngay lập tức gây bão trên thị trường. "Tôi có cảm giác mình đã tìm được thêm một mỏ vàng nữa kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên năm 1984", Yanai mô tả. Nhờ hiệu ứng này, thương hiệu càng phổ biến hơn nữa với người dân trong nước. Tuy nhiên, ngay sau đó, công ty gặp khó khăn khi lợi nhuận và doanh số sụt giảm. Họ bắt đầu tổ chức lại bộ máy và phát triển dòng sản phẩm dành cho nữ giới, từ đó lấy lại vị trí trên thị trường. Tiếp đó, thương hiệu cũng bắt đầu tập trung vào những cửa hàng có diện tích lớn hơn. Tháng 9/2004, công ty quảng cáo trên truyền thông về việc thay đổi định hướng, ưu tiên về chất lượng hơn là giá cả, ngừng sản xuất đồ giá rẻ với chất lượng thấp. Ông chủ Fast Ratailing nói không thấy hứng thú khi được gọi là người bán đồ rẻ nhất. "Tôi muốn giá trị của mình định hình với những sản phẩm tốt. Được biết đến với giá rẻ là điều không đáng vui chút nào vì sẽ tạo một thế giới lặng lẽ và vô nghĩa", ông giải thích. Ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai. Ảnh: Fast Retailing. Với Uniqlo, Yanai đặt nhiều tiêu chuẩn khắt khe và tính đẳng cấp nhưng phục vụ đại số người tiêu dùng, với tính tiện dụng và tối giản được ưu tiên hàng đầu. Ông không đuổi theo những trào lưu mà tập trung vào những thứ cơ bản nhất với giá vừa túi tiền nhất. "Chúng tôi muốn bán trang phục chất lượng cho mọi người, chứ không phải chỉ vài người", vị tỷ phú lý giải. Uniqlo đối mặt với một số khó khăn khi muốn lấn sân ra nước ngoài. Lần đầu tiến ra khỏi biên giới nước Nhật, họ liên tiếp mở các cửa hàng trong thời gian ngắn và sớm nhận trái đắng khi phải đóng cửa. Từ khởi điểm 21 cửa hàng Uniqlo ở Anh vào năm 2002 qua đến 2006 chỉ còn tồn tại 8. Giám đốc điều hành Fast Retailing khi đó nói họ không làm tốt việc thiết lập nhận diện thương hiệu trước khi mở cửa hàng và đã học rất nhiều từ những sai lầm ấy. Đứng lên từ trái đắng thất bại, thương hiệu hiện có trên 1.000 cửa hàng ở nước ngoài và không ngừng tăng trưởng. Là nhà bán lẻ thời trang lớn nhất châu Á nhưng tham vọng của ông chủ Yanai là đưa thương hiệu trở thành số một thế giới, vượt mặt cả H&M và Inditex - công ty đứng sau Zara. Vị tỷ phú Nhật buộc phải nghĩ khác biệt để có thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành thương hiệu lớn nhất, nắm giữ vị trí số một trên toàn cầu. Yanai tự nhận bản thân là một người thiếu kiên nhẫn. Với ông, những thay đổi luôn đến sớm và nhanh hơn mọi người nghĩ nên doanh nhân muốn làm nhiều hơn những gì có thể. Con trai ông là Koji Yanai, Phó Chủ tịch Fast Retailing từng chia sẻ: "Bố tôi không phải là một siêu anh hùng, ông chỉ làm những gì mình có thể thực hiện. Bố là một người bình thường nhưng rất kiên định". Yanai còn là một cổ động viên thể thao cuồng nhiệt. Đó là lý do Uniqlo tài trợ cho các vận động viên quần vợt Novak Djokovic, Kei Nishikori, Shingo Kunieda và golf thủ người Australia Adam Scott. Ông cũng nhấn mạnh hai thách thức lớn nhất mà các hãng toàn cầu phải đối diện hiện nay là toàn cầu hóa và số hóa: "Ai kiểm soát được hai mặt trận này sẽ là người chiến thắng, đây là thách thức lớn nhất". Ở ngưỡng 70 tuổi, Yanai trông vẫn khỏe khoắn và đầy sức sống. Càng lớn tuổi, ông càng muốn dành nhiều tâm huyết hơn cho việc kinh doanh. "Tôi không còn trẻ nữa, cuộc đời đang đi đến hồi kết và trước khi chết, tôi muốn làm điều gì đó. Những điều ta nói và làm đều cần phải bình đẳng, đó là điều tối quan trọng", ông nói. Tỷ phú không bao giờ thật sự hài lòng với bất cứ điều gì vì thế giới luôn thay đổi. Với ông, mỗi lần trèo lên cao hơn là lại thấy một ngọn núi khác. Ông chủ Uniqlo biết rồi cũng sẽ đến lúc ông phải rời bỏ cuộc đời bởi đó là quy luật, nhưng Yanai vẫn không ngừng leo núi vì yêu thích hành trình này. "Trông tôi có vẻ rất thành công nhưng con đường ấy cũng có đầy rẫy những sai lầm. Mọi người thường trầm trọng hóa chúng nhưng thực tế là bạn cần phải thật lạc quan và tin mình sẽ thành công ở lần kế tiếp", ông kết luận. Trương Sanh (theo Business Insider, Telegraph, The Australian) Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress