Cái giống mà chúng ta muốn nói ở đây là về mặt ngoại hình. Theo đó, các bé có ngoại hình giống cha sẽ nhận được lợi ích cực kỳ lớn. Dân gian Việt Nam có câu: "Con hơn cha là nhà có phúc". Còn mới đây, khoa học còn chứng minh một yếu tố khác liên quan đến ngoại hình của cha và con. Chỉ cần đứa trẻ sinh ra giống cha nó, là nhà cũng có "phúc" rất lớn rồi. "Phúc" ở đây là như thế nào? Trên thực tế, thứ được xem là hạnh phúc nhất với một gia đình, đó là con của họ sinh ra được mạnh khỏe. Và theo nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH Binghamton (New York, Mỹ), những đứa trẻ sinh ra với ngoại hình giống cha có xu hướng khỏe mạnh hơn khi tròn 1 tuổi. Trên thực tế, các đường nét trên khuôn mặt không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Có điều theo như giả thuyết của các nhà nghiên cứu, những người cha thường có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho con nếu đứa trẻ giống mình. Tất nhiên, điều này mang lại rất nhiều lợi ích. "Sự đóng góp của người cha là rất quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ, và nó thể hiện ngay trong sức khỏe của các bé" - trích lời tác giả nghiên cứu Solomon Polachek từ ĐH Binghamton. Điều quan trọng cần nắm được là nghiên cứu tập trung chủ yếu vào những gia đình chưa kết hôn hoặc đã chia tay. Các dữ liệu được lấy từ nghiên cứu mang tên Fragile Families and Child Wellbeing - FFCW (tạm dịch: Gia đình dễ đổ vỡ và an sinh trẻ em), với 456 gia đình như vậy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình người cha dành nhiều hơn bình thường 2,5 ngày trong tháng để chơi với con, nếu đứa trẻ có ngoại hình giống mình. Tiếp theo, các chuyên gia đánh giá sức khỏe của trẻ khi đến sinh nhật đầu tiên theo một số yếu tố, bao gồm thời gian ở trong viện, tần suất khám bệnh, hay tần suất lên cơn khó thở... Tất nhiên, các yếu tố này chưa thực sự chuẩn xác. Ví dụ như chuyện đứa trẻ ốm, thì tài chính và thời gian sẽ là những rào cản ngăn bé đi khám. Tuy nhiên về mặt số liệu thống kê, nó vẫn cho thấy một xu hướng nhất định. Trên thực tế, có khá nhiều nghiên cứu trước kia cũng ủng hộ giả thuyết này. Ví dụ, có nghiên cứu chứng minh đứa trẻ có thể phát triển mạnh hơn khi cả bố và mẹ cùng quan tâm chăm sóc, và đòi hỏi người bố phải dành nhiều thời gian hơn. "Các chỉ số sức khỏe của bé dường như tốt hơn nếu đứa trẻ có khuôn mặt giống bố" - trích lời Polachek. "Lý do chính có lẽ là vì người cha ghé thăm con thường xuyên hơn, quan tâm sát sao hơn, tích cực thu nhặt thông tin về bé và cung cấp nhiều hỗ trợ về mặt tài chính hơn". Nghiên cứu này cũng phần nào nói lên một thực trạng về các gia đình đơn thân tại Mỹ. Hiện tại, số liệu cho thấy những kiểu gia đình như vậy đang tăng lên, và qua đó khiến cho những đứa trẻ phải chịu rất nhiều thiệt thòi. "Chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn để khuyến khích những người cha phải tích cực tham gia chăm sóc trẻ, có thể bằng cách đưa họ tới các lớp học làm cha mẹ, giáo dục sức khỏe tiền sinh sản..." - Polachek cho biết. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Health Economics. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV