Chị Dương Nguyễn Bạch Tuyết 33 tuổi ở xã Hòa Thành, Cà Mau, có lượng mỡ trong máu cao gấp 5 lần người bình thường. Tình trạng mỡ máu cao kéo dài gây xơ vữa toàn bộ mạch máu trong cơ thể chị, hẹp ở nhiều đoạn động mạch quan trọng và hở van tim. Năm chị 26 tuổi, bác sĩ xác định các mạch máu trong cơ thể của bệnh nhân đều bị lão hóa như một bà lão 80 tuổi, phải điều trị lâu dài. Khi lập gia đình, khát khao có con, chị hai lần mang bầu trong tình trạng thập tử nhất sinh và phải nhờ bác sĩ trực chiến suốt thai kỳ mới sinh nở thành công. Chân của chị Tuyết bị biến dạng với những khối u vàng trên bề mặt da. Ảnh: TH. Từ năm 4 tuổi cơ thể chị Tuyết đã có những biểu hiện bất thường, bề mặt da nổi sần từng mảng như mề đay ở hai bên mông. Gia đình tưởng con bị mụn cóc nên nặn, khoán. Ban đầu mụn giảm, sau đó lan ra cả cơ thể. Mấy chục năm qua Tuyết khám ở nhiều bệnh viện tại TP HCM, uống nhiều thuốc Tây và Đông y, các mảng sần trên da không giảm mà ngày càng lan rộng và nổi thêm nhiều khối u vàng ở chân tay. Tốt nghiệp đại học và đi làm, sức khỏe Tuyết giảm sút rõ rệt, thường xuyên sốt cao kèm theo khó thở, đau ngực. Bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tim nhưng không tìm ra nguyên nhân. Năm 2011, người phụ nữ vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tổn thương mạch máu đa cơ quan, sang thương lan tỏa nặng. Thạc sĩ Trần Hòa, Phó Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, hẹp nặng và lan tỏa cả ba nhánh động mạch vành, hẹp động mạch cảnh (nuôi não) hai bên và động mạch thận hai bên. Ê kíp hội chẩn quyết định phải can thiệp triệt để bằng cách đặt stent động mạch cảnh nhằm bảo vệ nhu mô não, đồng thời mổ bắc các cầu động mạch vành. Sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và trở lại với công việc hàng ngày. Bác sĩ Hòa cho biết đây là bệnh nhân khiến anh nhớ nhất trong sự nghiệp của mình. "Không ngờ bên ngoài là vẻ tươi trẻ của một cô gái mà các mạch máu của bệnh nhân đã lão hóa như của một cụ bà trên 80 tuổi", bác sĩ chia sẻ. Chị Tuyết phải tái khám định kỳ, uống thuốc đều đặn để kiểm soát tốt lượng mỡ trong máu. Theo bác sĩ Hòa, bệnh trạng của chị Tuyết là do lượng cholesterol trong máu tăng quá cao. Đây là bệnh lý di truyền do đột biến gene, tỷ lệ mắc tương đối hiếm, khoảng 1/1.000.000 người. Bác sĩ Trần Hòa thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: T.H. Nhờ được tái các thông mạch máu bị tắc hẹp, sức khỏe chị Tuyết tốt hơn, không bị khó thở và sốt như trước nữa. Chị lập gia đình và mang thai. Các bác sĩ cảnh báo với tình trạng sức khỏe tim mạch của chị, việc mang thai và sinh con sẽ rất nguy hiểm cho người mẹ. Hơn nữa các loại thuốc chị đang uống để kiểm soát bệnh có thể gây hại cho thai nhi. Phải lựa chọn giữa tính mạng mình và sự sống của con, người phụ nữ quyết định bảo vệ sinh linh bé nhỏ trong bụng. "Con cái là hoa trái của tình yêu vợ chồng nên mình không thể vì sức khỏe của bản thân mà bỏ con được", người phụ nữ tâm sự. Tôn trọng ý nguyện của bệnh nhân, các bác sĩ đồng hành cùng chị Tuyết. Chị được thay đổi toa thuốc bằng các loại thuốc khác không ảnh hưởng đến thai nhi. Trải qua thai kỳ khỏe mạnh, gần đến ngày sinh thì thai nhi bị dây rốn quấn cổ phải đẻ mổ. Bé trai chào đời kháu khỉnh được đặt tên là Lê Dương Chí Tín. Ba năm sau, bệnh tình của chị Tuyết tiến triển nặng hơn vì ngoài bệnh hẹp các mạch máu lan tỏa toàn thân, van động mạch chủ của chị cũng bị hẹp ở mức độ nặng. Thời điểm đó, chị vừa vui vừa lo khi biết mang thai lần hai. Gia đình và các bác sĩ đều khuyên chị nên bỏ thai để bảo vệ sức khỏe bản thân, song một lần nữa tình mẫu tử thôi thúc chị đánh đổi tính mạng để bảo vệ con. Chị Tuyết tâm sự: "Tôi nghĩ đã mang bệnh mấy chục năm rồi, có sinh con hay không cũng không thể chữa khỏi nên quyết định đặt cược tính mạng của mình để con được sống. Dù có chuyện gì xảy ra với tôi thì các con sau này cũng có anh có em nương tựa nhau". Vợ chồng chị Bạch Tuyết và con trai. Ảnh: NVCC. Một lần nữa, hành trình 9 tháng 10 ngày đầy căng thẳng, lo âu của người mẹ và các bác sĩ lại tiếp tục. Thai nhi càng lớn thì niềm vui và nỗi lo cũng tăng lên, bác sĩ phải theo dõi sát tình trạng sức khỏe trong suốt quá trình thai kỳ của mẹ, đến lúc chị lên bàn mổ bắt con ê kíp bác sĩ tim mạch cũng tham gia cùng ca mổ đẻ để kịp thời can thiệp khi có những tình huống xấu xảy ra. May mắn, mọi chuyện đã suôn sẻ và gia đình chị đón nhận bé trai thứ hai. Ôm bé út Lê Dương Quốc Linh trong tay, người mẹ mỉm cười bảo dù biết tương lai phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị luôn cố gắng sống khỏe để lo cho các con. "Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là được sống lâu để nhìn thấy các con khôn lớn trưởng thành là mãn nguyện rồi", người phụ nữ bùi ngùi. Trần Ngoan Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress