Ảnh chụp nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2013. Ảnh: CTV News. Tường băng dưới lòng đất bao quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi mà Nhật Bản hoàn thành năm ngoái với chi phí khoảng 320 triệu USD chưa đạt hiệu quả như nhiều người kỳ vọng, Futurism hôm nay đưa tin. Bức tường sâu hơn 38 m và dài gần 1,6 km, được xây dựng nhằm ngăn nước ngầm hòa lẫn với nước nhiễm xạ rò rỉ từ nhà máy này. Nhà máy Fukushima Daiichi bị động đất và sóng thần phá hủy nghiêm trọng năm 2011. 7 năm sau thảm họa, các chất phóng xạ từ lò phản ứng bị hư hại vẫn làm ô nhiễm nước mưa và nước ngầm. Thậm chí những robot được cử đến để nghiên cứu và dọn dẹp cũng không thể chịu nổi mức phóng xạ quá cao bên trong nhà máy. Việc xây dựng tường băng rất tốn kém. Chi phí bảo trì và vận hành công trình này mỗi năm lên đến 9,5 triệu USD. Một số chuyên ra từng cho rằng giải pháp xây tường băng ngầm quá phức tạp và có thể không hiệu quả. Theo số liệu mới từ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), tường băng giảm lượng nước ô nhiễm bên trong nhà máy xuống 95 tấn mỗi ngày, trong khi con số trước đây là gần 200 tấn. Nhà máy vẫn làm ô nhiễm tổng cộng khoảng 500 tấn nước mỗi ngày, trong đó có 300 tấn được bơm ra và tích trữ để lọc sạch. "Chúng tôi nhận thấy tường băng có hiệu quả, nhưng cần làm nhiều hơn để xử lý lượng nước mưa trước mùa bão", Yuzo Onishi, giáo sư tại Đại học Kansai, cho biết. Dù không phải giải pháp hoàn hảo, tường băng cũng góp phần làm ổn định các dòng nước ngầm và giảm lượng nước cần bơm ra hàng ngày. Thu Thảo Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress