Ban đầu, lụa sinh học sẽ được thử nghiệm cho phẫu thuật cấy ghép ở ngực. Phẫu thuật thẩm mỹ, nhất là những thủ thuật liên quan đến cấy ghép silicon, ngày nay vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhẹ thì miếng silicon cấy vào cơ thể bị kích ứng gây khó chịu. Nặng thì nó có thể bị biến dạng và cần phẫu thuật lại để loại bỏ khỏi cơ thể. Tuy nhiên, một công ty công nghệ sinh học Đức mới đây đã có cách khắc phục những rủi ro này. Họ đã nghiên cứu và phát triển thành công một vật liệu lụa sinh học, mà khi phủ ngoài các bộ phận cấy ghép có thể giảm tỷ lệ biến chứng của chúng. Lớp phủ này ban đầu đang được thử nghiệm cho cấy ghép ngực và vú. Nếu thành công, nó sẽ có ý nghĩa quan trọng với nhiều loại hình cấy ghép y khoa và phẫu thuật thẩm mỹ khác trong tương lai. Lớp phủ này ban đầu đang được thử nghiệm cho cấy ghép ngực và vú. Chúng ta biết rằng, một bệnh nhân ung thư vú muốn điều trị cần phải phẫu thuật cắt bỏ vú. Điều này giúp họ loại bỏ được khối u và thoát khỏi sự đe dọa của cái chết. Nhưng để nâng cao chất lượng cuộc sống, bệnh nhân sống sót sau ung thư vú thường lựa chọn tái tạo bộ phận đã bị cắt bỏ bằng silicon. Không may, kỹ thuật cấy ghép vú hiện nay có tỷ lệ biến chứng khá cao. Trong vòng 3 năm, khoảng 46% phụ nữ được cấy ghép vú bằng silicone phải quay lại bệnh viện để phẫu thuật lại; 25% phải loại bỏ miếng cấy ghép do kích ứng hoặc cơ thể "từ chối" nó. Lí do vì hệ miễn dịch của con người cực kỳ giỏi nhận diện vật thể ngoại lai và vật liệu phi tự nhiên thâm nhập vào nó. Cũng bởi silicone có tính tổng hợp nhân tạo cao, nó thường không tương tác hài hòa với các mô tự nhiên xung quanh cơ thể, dẫn đến kích ứng và nhiễm trùng. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã cố gắng phát triển một giải pháp cho vấn đề này. Họ dự định sẽ làm ra một lớp phủ bên ngoài silicon, có thể hỗ trợ và thúc đẩy tương tác hài hòa giữa vật liệu cấy ghép và mô tự nhiên của cơ thể. Và cho đến ngày hôm nay, một công ty công nghệ sinh học của Đức, nghĩ rằng họ đã đạt tới thành công cuối cùng của nỗ lực này: AMSilk đã thực hiện được một công việc tương tự như hãng giày Adidas - sử dụng các sợi tơ nhện sinh học để tạo ra một dòng giày dép phân hủy tự nhiên. Chỉ khác một chút, AMSilk tạo ra một lớp phủ lụa sinh học đặc biệt, nhằm ứng dụng vào cải thiện chất lượng cấy ghép y khoa và phẫu thuật thẩm mĩ. Ảnh phóng đại loại lụa sinh học có tương tác tốt với cơ thể người. Sản phẩm ban đầu của AMSilk là một loại bột mà công ty này phát triển từ một chủng vi khuẩn E. coli biến đổi gene. Sử dụng quá trình lên men, họ biến nó trở thành một protein bắt chước các đặc tính của tơ lụa, và có thể được khuôn thành nhiều dạng khác nhau như sợi hoặc lớp phủ lụa lỏng. Các nguyên liệu này có thể được dùng để thay thế hoặc bao bọc bộ phận giả bằng silicon cấy ghép vào cơ thể. Bởi vì đó là một protein, cơ thể nhận diện nó như một chất tự nhiên, tránh được những kích ứng và đào thải. "Không có gì khác trên đời này [ngoài vật liệu của AMSilk] là protein, ngoại trừ các mô động vật, thứ mà không ai muốn cấy vào cơ thể mình”, Lin Roemer, nhà đồng sáng lập AMSilk nói. Vật liệu sinh học mà họ tạo ra hiệu quả giống như một sản phẩm thực sự có nguồn gốc từ động vật. "Cơ thể chúng ta nhận diện protein lụa và nó sẽ nói rằng: "Oke, tôi là một protein, đây là một protein khác, tôi thích protein" và do đó cơ thể ít có khả năng phản ứng tiêu cực với lớp phủ này, so với các chất khác như silica hoặc polypropylene", Roemer giải thích thêm. Bắt đầu từ năm nay, AMSilk sẽ hợp tác với Polytech Health & Aesthetics, nhà sản xuất silicone hàng đầu thế giới, để bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng cấy ghép tơ lụa sinh học với một số bệnh nhân ở Áo. Nếu thử nghiệm ban đầu thành công, nó sẽ được nhân rộng ra khắp Châu Âu. Theo Polytech, nhu cầu của các thủ tục cấy ghép đang gia tăng. Vào năm 2016, công ty đã bán được hơn 200.000 miếng ghép silicon. Cho nên, họ đã kịp nắm bắt được một nhu cầu đặc biệt, để gia tăng sự an toàn và thoải mái cho sản phẩm của mình. Roemer cho biết, các thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy lớp phủ lụa sinh học của AMSilk chắc chắn sẽ giúp ích. Và bởi vì lớp phủ chỉ bao bọc bên ngoài vật liệu silicon truyền thống, chi phí và giá thành của nó sẽ không tăng là bao. Vật liệu lụa sinh học có thể bao ngoài các bộ phận cấy ghép. Dự định, AMSilk sẽ mở rộng ứng dụng của lớp phủ lụa sinh học của họ ra bên ngoài thủ thuật cấy ghép vú cho bệnh nhân ung thư. Theo nguyên lý làm việc, nó có thể phục vụ tất cả các loại cấy ghép y tế và thẩm mĩ khác. Protein lụa của AMSilk cũng có một tính chất ưu việt, là nó đủ mạnh để chống lại quá trình khử trùng, thường phá vỡ protein yếu. Điều này rất quan trọng, bởi khử trùng là bắt buộc trong cấy ghép mọi bộ phận giả vào cơ thể. Roemer cho biết, trong vài tuần đầu sau khi cấy ghép, điều quan trọng nhất cần tránh là để bệnh nhân bị nhiễm trùng và viêm. Đôi khi, các phản ứng tiêu cực đối với bộ phận cấy ghép có thể khiến cho cơ thể tạo ra một nang bảo vệ quanh nó, cản trở và làm giảm hiệu quả của thủ thuật. Thế nhưng, với lớp phủ sinh học của AMSilk, nó cho phép cơ thể đủ thời gian để thích nghi với sự có mặt của bộ phận giả. Lớp phủ sẽ tan tự nhiên trong vài tháng, để bộ phận cấy ghép yên ổn tại chỗ của nó, giảm tỷ lệ biến chứng cần phẫu thuật lại hoặc loại bỏ nó. Roemer chia sẻ, chiến lược của AMSilk là sẽ phân phối lớp phủ lụa sinh học cho các đối tác y tế của họ, những bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ, bác sĩ… đang đưa các bộ phận nhân tạo vào cơ thể bệnh nhân. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV