Được biết đến là người sáng lập của Memebox, một trong những startup kinh doanh mỹ phẩm phát triển mạnh nhất hiện nay, nhưng niềm đam mê ban đầu của Ha Hyunseol lại là công nghệ thông tin. CEO của Memebox từng tự học ngôn ngữ lập trình C+ từ khi còn rất nhỏ. Tuy vậy, anh lựa chọn theo học ngành kỹ thuật môi trường tại đại học Kyunghee danh giá trước khi gia nhập quân đội Hàn Quốc và tình nguyện đến đóng quân tại Afghanistan. Sau khi xuất ngũ, ông chủ Memebox quyết định đến Mỹ để theo đuổi sự nghiệp thời trang. Anh bắt đầu theo học tại học viện thiết kế Parsons – New York và sau đó trải qua 2 năm làm việc với vị trí thực tập sinh cho bộ phận PR của Tom Ford – thương hiệu thời trang nam cao cấp nổi tiếng thế giới. Sau Tom Ford, Hyunseok quay về Hàn Quốc và làm tại bộ phận marketing của Ticket Monster – một công ty truyền thông hàng đầu Hàn Quốc trước khi xây dựng sự nghiệp kinh doanh của riêng mình. Ha Hyunseok - ông chỉ của Memebox, một trong những startup thành công trong ngành công nghiệp làm đẹp. Ảnh: Memebox. Với am hiểu về công nghệ và những kiến thức về thời trang, làm đẹp, Ha Hyunseok cùng 3 người bạn khác đã cùng nhau thành lập Memebox (đọc là "mimibox", trong tiếng Hàn "mi" có nghĩa là "đẹp") vào tháng 2/2012 với số vốn ban đầu là 35.000 USD (khoảng 700 triệu đồng). Hình thức kinh doanh chính của thương hiệu này là hàng tháng, các khách hàng đăng ký sẽ nhận được một chiếc hộp có chứa khoảng 10 loại mỹ phẩm khác nhau với kích cỡ dùng thử, mức phí của mỗi hộp là 16.500 won (khoảng 300.000 đồng). Theo Ha Hyunseok, "xu hướng làm đẹp luôn thay đổi nhanh chóng, mỗi ngày có hàng trăm sản phẩm mới được tung ra thị trường. Memebox tập trung và các sản phẩm mới và mang đến cho khách hàng cơ hội được dùng thử trước khi mua". Tại Hàn Quốc, luật pháp không cho phép các hãng mỹ phẩm được bán các sản phẩm dùng thử, chúng thường được phát miễn phí khi khách hàng mua một vài sản phẩm của hãng. Ha Hyunseok đã liên hệ với các nhà cung cấp để có thể nhận các sản phẩm này mà không mất bất cứ chi phí nào sau đó gửi đến khách hàng trong các hộp Memebox hàng tháng. CEO của Memebox cho biết, những hộp mỹ phẩm sẽ mang đến cho khách hàng cơ hội được thử nghiệm sản phẩm trước khi quyết định mua. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp cũng hưởng lợi bởi đây là một kênh tiếp cận khách hàng đầy sáng tạo. Trong 6 tháng đầu sau khi thành lập, Ha Hyunseok cùng những người bạn của mình tập trung tối đa vào việc thiết kế các chủ đề cho nhiều loại hộp Memebox khác nhau để phù hợp với nhu cầu người dùng. Ban đầu là mỹ phẩm dành cho phụ nữ sau đó là các hộp Memebox dành cho em bé, nam giới, quân nhân hoặc khu biệt khách hàng theo loại da. Một hộp Memebox tiêu biểu dành cho khách hàng có nhu cầu dưỡng da mùa đông. Ảnh: Memebox Khách hàng nhanh chóng thích thú với ý tưởng họ sẽ được trải nghiệm sản phẩm mới mỗi tháng. Chính vì vậy, ngay từ tháng đầu tiên, Memebox đã thu về mức lợi nhuận là 19.000 USD, tháng tiếp theo là 54.000 USD và 180.000 USD ở tháng thứ ba. Đến năm 2014, doanh số bán hàng của công ty đã đạt mức 4,7 triệu đôla. Một trong những cách để Memebox mở rộng tầm ảnh hưởng đó là liên kết cùng các Beauty Guru trên Youtube (những người thực hiện các video hướng dẫn làm đẹp). Một trong số các đối tác là Pony - kênh Youtube dạy trang điểm có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Hàn Quốc. Cuối năm 2014, sự hợp tác này đã mang tới thành công lớn với sản phẩm Pony x Memebox’s. Đã có 25.000 hộp được bán ra chỉ trong vòng 40 phút đầu tiên tung ra thị trường. Vào tháng 3/2014, Memebox nhận được số tiền đầu tư 100.000 USD từ Y Combinator. Tiếp đó năm 2015, Memebox nhận được số vốn đầu tư lên tới 29 triệu USD từ một số nhà đầu tư lớn, trong đó có Jerry Yang (nhà đồng sáng lập Yahoo). Với số tiền này Memebox đã mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại di động. Memebox bán hơn 170.000 loại mỹ phẩm khác nhau và mức giá phải chăng thông qua ứng dụng trên smartphone. Tính đến năm 2016, ứng dụng Memebox đã có hơn 4 triệu lượt download, hơn 80% doanh số bán hàng trực tuyến của công ty đến từ kênh phân phối này. Memebox có một quá trình phát triển không ngừng nghỉ, không chỉ dừng lại là kênh phân phối trung gian cho các hãng mỹ phẩm, năm 2015, Memebox đã phát triển thương hiệu làm đẹp của riêng mình như Pony Effect, I Dew Care, Nooni và I'm Meme. Pony Effect là thương hiệu con rất đình đám chuyên về dòng sản phẩm trang điểm của Memebox. Ảnh: memebox Đặc biệt dù đang rất thành công tại Hàn Quốc, nhưng vào năm 2014, Ha Hyunseok đã chuyển trụ sở công ty từ thủ đô Seoul đến Silicon Valley (San Francisco, Mỹ) để chính thức phát triển Memebox trên phạm vi toàn cầu. Năm 2016, Memebox tiếp tục gọi vốn và nhận được số tiền lên tới 60 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn như Goodwater Capital, Altos Ventures, Cowboy Ventures, Mousse Partners... CEO của Memebox cho biết số tiền này sẽ được dùng để mở rộng các hoạt động của công ty trên phạm vi toàn cầu và trước tiên là ở hai thị trường tiềm năng là Mỹ và Trung Quốc. Năm 2017, Memebox đứng thứ 218 trong top 500 đơn vị bán lẻ qua Internet hàng đầu thế giới. Trong quá trình hoạt động suốt 6 năm qua của Memebox, người ta luôn thấy công ty này không ngừng thay đổi để phát triển: từ kinh doanh các hộp mỹ phẩm theo tháng đến bán mỹ phẩm thông qua ứng dụng điện thoại, từ là kênh trung gian phân phối đến việc cho ra các dòng mỹ phẩm riêng, hay cả việc rời trụ sở từ thủ đô Seoul và vươn đến thung lũng Silicon của Mỹ để tìm cơ hội phát triển... Chiến lược kinh doanh thay đổi để bắt kịp nhu cầu người dùng của Ha Hyunseok đã mang đến thành công cho Memebox với tổng doanh thu của năm 2017 là 100 triệu USD. Thúy An (Theo Forbes, Techinasia) Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress