Công nghệ gene hiện nay đang được ứng dụng nhằm sản xuất da thuộc mà không cần tới động vật. Đó là khi thời trang được "trồng" ngay trong phòng thí nghiệm. Việc sử dụng da động vật làm vật liệu trong may mặc đã xuất hiện từ thời cổ đại. Dựa trên tài liệu của người Ai Cập cổ, những đôi dép da lần đầu tiên được tạo ra hẳn từ 7.000 năm trước, và thậm chí là xa hơn thế. Nhưng bạn biết những tấm da động vật ấy được xử lý như thế nào không? Đó là nhờ công đoạn mang tên "thuộc da", và đây đã từng là một quá trình cực kỳ... bốc mùi. Vào thế kỷ thứ 18 tại London, da trâu, bò thường được ngâm trong nước tiểu và vôi nhằm loại bỏ phần lông và thịt thừa còn sót lại. Sau đó, chúng được chà xát bằng... "phân cún" nhằm làm mềm da, đồng thời để bảo quản tốt hơn. Mùi hôi thối của những công đoạn này khiến nghề thuộc da bị cấm hoàn toàn trong khu vực nội đô, và buộc phải chuyển tới khu vực xuôi gió ven bờ sông Bermondsey. Nghề thuộc da trong quá khứ từng cực kỳ kinh khủng. Phương pháp thuộc da hiện đại đã trở nên bớt "buồn nôn" hơn. Phân chó, vôi và nước tiểu được thay thế bằng crôm và các hợp chất hóa học khác. Nhưng từ đây lại nảy sinh ra nhiều vấn đề khác không kém phần nghiêm trọng. Đầu tiên, các chất hóa học dùng trong ngành công nghiệp này khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Và hai, phong trào bảo vệ động vật trong xã hội hiện đại đang kịch liệt lên án việc sử dụng da động vật trong ngành thời trang. Và vì thế, chủ doanh nghiệp và khoa học phải chung tay tìm ra một hướng đi khác hiệu quả hơn. Nhà máy sản xuất da từ collagen - nỗ lực đáng ca ngợi của ngành thời trang Từ trước đến nay, da tổng hợp polyme thường được coi là sản phẩm hàng đầu có thể thay thế da thuộc. Nhưng vì chưa thể đáp ứng được yêu cầu về độ bền và sự dẻo dai như da thật, da tổng hợp tất nhiên được xem là loại... rẻ tiền, và không được đánh giá cao. Và thế là việc "trồng" da collagen trong nhà máy trở thành một tia hi vọng mới. Khi thời trang được "trồng" trong phòng thí nghiệm. Tiên phong trong công nghệ này là Modern Meadow, một hãng sản xuất các sản phẩm may mặc tại Mỹ. Năm ngoái 2017, công ty đã chuyển nhà máy tới Brooklyn (New York) nơi mà 60 nhân viên đang âm thầm phát triển loại vật liệu hoàn toàn mới. Modern Meadow đã kêu gọi được 50 triệu đô tiền vốn từ nhà đầu tư và đang cộng tác với một số phòng thí nghiệm bí mật, nhằm sớm tung sản phẩm này rộng rãi ra thị trường trong vòng 2 năm tới. Nhà máy trồng da này đang nắm giữ nhiều yếu tố khiến loại sản phẩm mới này trở nên vượt trội hơn so với sản phẩm da thuộc truyền thống. Không giống như những khổ da động vật có kích thước bị hạn chế, các kỹ sư ở đây có thể sản xuất các miếng da với kích thước được tùy chỉnh phù hợp với mọi hình dạng vật liệu. Thêm nữa, loại da này ít bị trầy xước và có độ bền chẳng kém gì, thậm chí là cao hơn so với da thuộc truyền thống. Quan trọng hơn, chúng có thể khiến ta sẽ cảm thấy bớt tội lỗi hơn khi mang một đôi giày da tuyệt đẹp, và thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng không loài vật nào phải vào lò mổ để tạo ra đôi giày đó. Chẳng sinh vật nào chết vì những tấm da sinh học hết. Để sản xuất loại da đặc biệt này, Modern Meadow sử dụng một loại men đặc chủng, nhằm tạo ra một loại protein giống như collagen của bò. Collagen là cấu trúc protein cốt lõi trong cơ thể động vật, tạo đặc tính dẻo dai và đàn hồi cho lớp da. Nó bao gồm các chuỗi amino-acids, cứ ba chuỗi xoắn thành một sợi. Sau cùng, chúng kết hợp với nhau thành hình bó sợi. Về cơ bản, việc tổng hợp nên bó amino-acids trên da động vật còn có sự tham gia của một tế bào đặc biệt, gọi là sợi nguyên bào. Nhưng Modern Meadow can thiệp, khiến quá trình này vẫn xảy ra mà chẳng cần đến sợi nguyên bào nữa. Dù không tiết lộ chi tiết cơ chế hoạt động, nhưng theo Modern Meadow, việc kiểm soát sự tham gia của nguyên bào sợi khiến con người dễ dàng can thiệp vào việc sắp xếp các lớp da, và tinh chỉnh chúng một cách tùy ý. Điều này đem lại một hệ quả lớn cho ngành sản xuất da trong tương lai, khi chúng ta có thể sản xuất những tấm da sinh học tại những địa điểm khác nhau, với chất lượng hoàn toàn tương đồng. Hơn nữa với cùng một nguyên liệu đầu vào, một nhà máy vừa có thể sản xuất loại da thô cứng, vừa có thể sản xuất lớp da mỏng mềm đáp ứng được mọi yêu cầu của khách hàng, trong khi giá lại cực kỳ cạnh tranh so với da động vật thực sự. Các mẫu da collagen có quá nhiều ưu điểm. Chiếc áo khoác đầu tiên được làm từ loại da đặc biệt này sẽ lần đầu xuất hiện tại một show trình diễn thời trang trong năm 2018 tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại New York. Công nghệ sinh học sẽ vô cùng hãnh diện khi sải bước trên sàn catwalk thời trang. Bởi đây là minh chứng hoàn hảo nhất, cho thấy con người hoàn toàn có đủ khả năng tạo ra những sản phẩm thay thế, đảm bảo hài hòa tối đa lợi ích của mình nhưng không hề làm tổn hại đến môi trường thiên nhiên. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV