Trải nghiệm cuộc sống khó khăn tạo lực đẩy làm nên cá tính và thành công cho những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Trong đó có tỷ phú tự thân John Paul DeJoria, doanh nhân được biết đến nhiều nhất khi đồng sáng lập công ty chuyên về các sản phẩm dành cho tóc và công ty chuyên sản xuất rượu. John Paul DeJoria sinh năm 1944 tại Los Angeles, bố là người Italy và mẹ là người Hy Lạp, đều là dân nhập cư Mỹ. Bố mẹ ly dị khi ông mới 2 tuổi. Năm 9 tuổi, ông cùng anh trai đi khắp nơi bán thiệp Giáng sinh và báo để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Khi người mẹ không chứng minh được khả năng có thể nuôi hai đứa trẻ, hai anh em được đưa tới một nhà nuôi dưỡng ở miền Đông Los Angeles. Khi còn trẻ, DeJoria từng tham gia một nhóm giang hồ đường phố nhưng quyết định thay đổi cuộc đời sau khi bị giáo viên phán là “không thể thành công dù làm gì đi nữa”. Ông tốt nghiệp trung học vào năm 1962. Năm 22 tuổi, vợ DeJoria rời bỏ và để lại cho ông hai đứa con trai. Bà còn bí mật lấy hết tiền thuê nhà mấy tháng và chiếc xe duy nhất mà họ có. Hai ngày sau đó, DeJoria và hai đứa trẻ bị đuổi khỏi nhà, phải sống lang thang trên đường phố. DeJoria bước vào thế giới chăm sóc tóc khi trở thành nhân viên phòng thí nghiệm Redken. Tuy nhiên, vì bất đồng mà ông bị sa thải. Năm 1980, ông đồng sáng lập John Paul Mitchell Systems cùng Paul Mitchell vào 1980. Họ đưa công ty trở thành một trong những thương hiệu chăm sóc tóc giá trị nhất thế giới. Không lâu sau khi công ty cất cánh, Michell qua đời và DeJoria tiếp quản toàn bộ công việc. Công ty vẫn phát triển mạnh mẽ và có giá trị ước định hàng tỷ USD mỗi năm. Năm 1989 ông cùng Martin Crowley mua lại cổ phần của công ty sản xuất rượu và phát triển doanh số đến nay hơn 800 triệu USD. Tỷ phú John Paul DeJoria. Không có khởi đầu suôn sẻ nhưng người đàn ông mang hai dòng máu Italy và Hy Lạp luôn nuôi dưỡng giấc mơ thoát nghèo và thành công. Lúc đó ông nghĩ rằng: “Con đường duy nhất tôi có thể đi là tiến lên phía trước”. DeJoria xem những khó khăn kinh tế là cơ hội để bản thân làm việc chăm chỉ. Khi không có tiền mua thức ăn, ông bán thiệp Giáng sinh. Không đủ tiền để học đại học, ông bán sách giáo khoa, không bao giờ sống dựa vào bất cứ ai. “Nếu bạn mong một bữa ăn trưa miễn phí trên đường, bạn không thể đi xa và mọi thứ đều rất nhàm chán. Hãy bước ra ngoài và làm cái gì đó. Hãy tự thân vận động”, ông chia sẻ. Lời khuyên của tỷ phú cho thế hệ trẻ là hãy vượt qua những rào cản, thúc đẩy bản thân sau những khoảng thời gian khó khăn và tìm kiếm thành công. DeJoria nói đó là tất cả những gì ông học được khi bắt đầu cuộc mạo hiểm đầu tiên với John Paul Mitchell Systems. Thành công của dự án đến từ hiệu quả truyền miệng, thu hút sự chú ý với các nhà phân phối. Kể từ đó, các sản phẩm chăm sóc tóc của ông có mặt trong rất nhiều tiệm làm tóc và nhanh chóng trở thành công ty triệu USD chỉ trong hai năm. Sự kiên trì theo đuổi thành công đã giúp ông biến số tiền khởi nghiệp ít ỏi 700 USD trở thành đế chế tỷ USD của hôm nay. Một trong những động lực đầu tiên và lớn nhất của DeJoria là khả năng vượt qua sự từ chối. “Bạn phải chuẩn bị cho một cuộc sống với đầy rẫy những lời khước từ”. Ông vẫn còn nhớ rất rõ khoảng thời gian gõ cửa từng ngôi nhà một để bán những quyển sách giáo khoa. Rất nhiều cánh cửa đã đóng sầm trước mắt. Kinh nghiệm giúp tỷ phú vững vàng và thậm chí còn chờ đợi sự từ chối bởi với ông, nó sẽ mang đến những lợi thế. “Bạn phải nhiệt tình khi đứng trước cánh cửa thứ 51 cho dù 50 cánh cửa trước không chào đón bạn. Để thực hiện một điều gì đó, bạn phải chuẩn bị cho những cú tát vào mặt - đó là những lời từ chối. Khi có sự chuẩn bị, bạn sẽ không bao giờ có thể bị đánh gục”, ông diễn giải. DeJoria luôn tập trung vào tương lai. Khi thất bại, hầu hết mọi người đều nghĩ về quá khứ và tự hỏi lý do nào đã dẫn đến thất bại ấy. Theo ông, điều này chẳng giúp đi được đến đâu. Thay vào đó, hãy nghĩ về những bước đi tiếp theo. “Đừng mãi sống trong quá khứ, hãy hướng tới tương lai. Bạn có thể vượt qua khó khăn miễn là luôn sẵn sàng làm việc, nỗ lực hết mình và không bao giờ ngồi chờ đợi bất cứ ai. Thế giới luôn xoay chuyển, nhưng để nó đi đúng guồng thì bạn cần bước ra và làm điều gì đó”. Triết lý sống của ông cũng khiến nhiều người thán phục: nỗ lực hết mình và cho đi. DeJoria từng ký vào bản cam kết cùng 150 tỷ phú khác trích ra 50% thu nhập để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, đóng góp cho trên 160 quỹ thiện nguyện khắp thế giới. Những năm gần đây, thời gian của ông hầu hết dành cho các hoạt động vì cộng đồng. 25 năm trước, DeJoria là một người vô gia cư, nhưng giờ đang sống ở mảnh đất trị giá 50 triệu USD ở Malibu với tất cả những món đồ chơi mà một người đàn ông có thể mong đợi: xe phân khối lớn, xe hơi và máy bay riêng. Ông làm việc chăm chỉ và mong muốn trả lại cho xã hội. Với mỗi quyết định, vị tỷ phú không chỉ nghĩ liệu sẽ kiếm bao nhiêu tiền mà còn sẽ giúp ích thế nào cho mọi người, các sinh vật và môi trường. Mỗi quyết định kinh doanh luôn đi đôi với một quyết định thiện nguyện. “Mỗi người đều có định nghĩa riêng về thành công. Đó không phải nằm ở việc ban đang ở đâu, kiếm được bao nhiêu tiền hay sẽ đạt được địa vị, danh vọng gì. Thành công chính là liệu bạn đã làm tốt nhất việc bạn đang làm. Thành công mà không có sự sẻ chia cũng giống như thất bại”, ông bày tỏ quan điểm. Tỷ phú cùng vợ là người mẫu Eloise DeJoria. Họ kết hôn vào năm 1993. DeJoria từng chia sẻ về việc mua một phần hòn đảo Barbuda ở Caribbean. Người dân ở đây sống hoàn toàn dựa vào nghề đánh cá nhưng việc khai thác quá mức đã dẫn đến lệnh ngừng đánh cá tạm thời. 1.400 cư dân ở đảo cần công việc để tồn tại. Để giúp đỡ họ, ông lên kế hoạch tạo công ăn việc làm cũng như giúp đỡ môi trường và kinh tế địa phương. Ông đã chi hàng triệu USD để mua 350 căn nhà, xây dựng một khu nghỉ dưỡng sinh thái 100 phòng và sân đánh golf. “Mỗi một căn trong 350 ngôi nhà được xây dựng sẽ cần hai người làm vườn và một quản gia. Vì thế, mỗi căn nhà sẽ cung cấp ít nhất ba đầu việc. Khu nghỉ dưỡng và sân golf cũng cần rất nhiều nhân viên và chúng tôi sẽ huấn luyện người dân có thể đảm trách những vị trí này”, ông nói. Doanh nhân hy vọng sẽ mang đến ít nhất 700 công việc toàn thời gian cho người dân nơi đây và hứa với mỗi món đồ được bán ra, 1% giá trị sẽ ở trong túi của người địa phương. Ông cũng cùng nam tài từ Brad Pitt giúp đỡ những người vô gia cư, cứu lấy động vật và môi trường thông qua các tổ chức như Sea Shepherd. Với công ty rượu, ông tuyển dụng hơn 1.000 người địa phương ở Mexico. Công ty hỗ trợ nền kinh tế tại quốc gia này bằng nhiều cách, bao gồm cả giáo dục và nhà ở cho trẻ mồ côi. Ngay từ những bước tăng trưởng đầu tiên của doanh nghiệp này, ông đã kiếm được một triệu USD mỗi tháng và con số này tăng gấp đôi vào những năm sau. Qua quá trình chưng cất, ông tái sử dụng nước còn sót lại để bón phân cho đất. DeJoria không phải là một người đàn ông hoàn hảo và chưa bao giờ tự nhận điều này. Nhưng nhờ thái độ tích cực đã giúp ông vượt qua muôn vàn khó khăn và đưa tỷ phú lên đỉnh ở bất cứ lĩnh vực nào mà ông theo đuổi. DeJoria tin tưởng ở việc học hỏi từ những sai lầm và thất bại. “Cuối cùng rồi mọi thứ cũng sẽ ổn. Còn nếu chưa ổn, thì đó chưa phải là kết thúc”, ông nói trong bộ phim tài liệu về chính mình có tên "Good Fortune" ra mắt hồi năm ngoái. Trương Sanh (theo CNBC, Forbes) Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress