Tăng giường bệnh của 5 chuyên khoa chính, thành lập bệnh viện vệ tinh, xây dựng mô hình bác sĩ gia đình, cải tiến quy trình khám bảo hiểm y tế là những giải pháp được Bộ Y tế triển khai nhằm chống quá tải bệnh viện. Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế cho biết tại hội nghị về giảm tải bệnh viện sáng nay, đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt, sẽ thực hiện dứt điểm từ nay đến năm 2020. Bệnh nhân điều trị nội trú phải nằm hành lang vì thiếu giường. Ảnh: Thiên Chương. Theo Bộ trưởng Y tế, không thể để tồn tại mãi cảnh bệnh nhân điều trị nội trú phải nằm giường đôi, giường ba; bệnh nhân ngoại trú khám vài phút nhưng phải chờ đợi nhiều giờ. Trước mắt, việc giảm tải sẽ được thực hiện từng bước ở hai khu vực phòng khám bệnh và điều trị nội trú của các bệnh viện tuyến trung ương, tập trung vào 5 chuyên khoa Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch và sản - nhi. Mục tiêu cụ thể là giảm công suất giường bệnh tại các bệnh viện ở Hà Nội và TP HCM đang quá tải trên 120% xuống dưới 100%. "Cơ bản, ngành y tế sẽ khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015 và phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện", bà Tiến nói. Để đạt được điều này, ngành y tế yêu cầu các bệnh viện chuyên khoa đang quá tải thành lập thêm bệnh viện vệ tinh. Nâng cao công suất sử dụng giường bệnh ở bệnh viện tuyến dưới. Cụ thể, bệnh viện tuyến tỉnh phải đạt 60% giường bệnh được dùng vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Mô hình bác sĩ gia đình cũng sẽ được Bộ Y tế triển khai trước tiên tại TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa, Cần Thơ. Ban đầu, nhân lực sẽ lấy từ bác sĩ công có làm phòng khám ngoài giờ và bác sĩ trạm y tế đưa đi tập huấn kiến thức bác sĩ gia đình. Mô hình này sẽ chia sẻ với các bệnh viện tuyến khác. Về việc khám và điều trị ngoại trú, Bộ trưởng Y tế cũng cho rằng, quy trình khám bệnh bảo hiểm xã y tế có 12 bước hiện nay cần sớm được thay đổi vì khiến người bệnh còn chịu khổ. "Chỉ các bước thu phí hiện nay khiến người bệnh hết hơi. Việc này phải sửa ngay và nên gom lại chỉ thu phí một nơi. Việc chờ mua thuốc phải cải tiến, khâu kê toa phải kết nối với khoa dược để bệnh nhân chỉ cần đến thì đã nhận được thuốc. Cần xây dựng phát thuốc theo băng chuyền để người bệnh khỏi vây quanh nhà thuốc như hiện nay", bà Tiến nói. Cảnh phụ huynh bế con ngồi đợi khám hàng giờ và chen nhau chờ lấy thuốc tại các bệnh viện nhi. Ảnh: Thiên Chương. Cũng theo bà Tiến. quy trình tái khám chỉ nên thu gọn lại còn 4 bước, có khám bệnh và có xét nghiệm thì chỉ nên còn lại 6 bước. Khu vực lấy máu phải gần chỗ xét nghiệm, kết quả xét nghiệm nhân viên y tế phải đưa đến bàn khám chứ không nên để người bệnh chạy lòng vòng. Thời gian này tối đa là 3 giờ đối với bệnh nhân có xét nghiệm. Bệnh nhân vừa khám bệnh, vừa xét nghiệm vừa chẩn đoán hình ảnh. "Khảo sát cho thấy bệnh nhân thậm chí phải đi từ 4h sáng. Cụ thể tại Bệnh viện Nguyễn Trãi ngày 24/3, bệnh nhân phải trải chiếu từ tận khuya để được khám mà đến chiều mới xong. Tăng nhân viên, tăng bàn khám, tăng phòng xét nghiệm, mã hóa thông tin bệnh nhân là những điều cần quyết liệt làm ngay", Bộ trưởng nói. Quy tắc ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh cũng là vấn đề phải được thay đổi. Bà Tiến cho rằng thực chất quy tắc ứng xử vẫn là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng không phải là không có chuyện quát tháo người bệnh. Thông cảm với cấp dưới bởi quá tải khiến không ít người không giữ được thái độ ôn hòa, nhưng theo Bộ trưởng, để tránh tình trạng gắt gỏng với bệnh nhân tại các khu khám, nên chăng chọn các cán bộ y tế trẻ tuổi, tính tình vui vẻ ngồi ở những nơi này. Bộ trưởng Y tế cũng lưu ý giám đốc các bệnh viện nên nghiên cứu thiết kế nơi khám, nơi xét nghiệm máu, nơi lấy kết quả, nơi mua thuốc không nên quá xa nhau nhằm tránh tình trạng bệnh nhân chạy thôi đã mệt. Cần thiết phải hẹn điện thoại để chia bệnh nhân. Không thể để tình trạng khám vài phút mà chờ đợi lâu. "Chỗ ngồi, bảng biểu, nhà vệ sinh hình như quen với sự luộm thuộm. Lỗi này là do giám đốc, phó giám đốc hậu cần, trưởng khoa khám bệnh. Đi bệnh viện nào mà thấy luộm thuộm là do lãnh đạo kém. Quản lý tài chính và quản lý bệnh viện là điều sẽ đổi mới quy chế bổ nhiệm giám đốc, có khi không cần thiết phải giáo sư tiến sĩ mà chỉ cần người biết quản lý", bà Tiến nói. Tiến sĩ Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, hiện có không ít bệnh quá tải lên đến trên 260%, chủ yếu tập trung cả ở nội trú và ngoại trú như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP HCM... Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, bệnh không lây nhiễm hiện là bệnh hàng đầu gây quá tải bệnh viện. Hiện nay, số lượng giường thực kê là 24,7 giường bệnh cho 10.000 dân. Song song với việc triển khai đề án giảm tải, Bộ Y tế hướng cũng đã xây dựng dự thảo cải tiến quy trình khám bệnh bảo hiểm y tế để lấy ý kiến các bệnh viện. Dự thảo này nhằm rút ngắn thời gian chờ khám của bệnh nhân. Thiên Chương Nguồn VNExpress