Thói quen ngủ trưa - "siesta" là một phần văn hóa của Tây Ban Nha. Vào giữa ngày, khi mặt trời lên cao, các cơ sở kinh doanh ở những thị trấn nhỏ lẻ ở Tây Ban Nha thường đóng cửa, kéo rèm cho một giấc ngủ trưa ngắn. Ở những thành phố lớn, tác phong công nghiệp và guồng quay bận rộn của công việc đang dần lấy đi giấc ngủ trưa của người lao động thành thị, khiến dân văn phòng phải làm nhiều giờ cảm thấy mệt mỏi. Hiện tại, Maria Estrella Jorro de Inza đã tìm ra cách để khôi phục thói quen siesta, thậm chí còn kiếm được tiền khi giúp những nhân viên công sở Tây Ban Nha tìm đến giấc ngủ. Mặt tiền startup quán cà phê ngủ trưa Siesta & Go tại quận tài chính trung tâm thành phố Madrid, Tây Ban Nha. Nhân viên ngân hàng, luật sư, kế toán, tư vấn viên...sẽ đến mô hình quán cà phê tiện lợi phục vụ cho mục đích ngủ trưa có tên Siesta & Go - không gian đầu tiên kinh doanh ý tưởng này được mở ra tại Madrid, tọa lạc tại một trong những khu tài chính bận rộn của thủ đô. Với khoảng 15 USD mỗi giờ, bất cứ ai cũng có thể đến Siesta & Go, chọn một phòng nghỉ cá nhân, ngủ trưa và trở lại làm việc vào đầu giờ chiều. Hiện startup Siesta cung cấp 19 giường cho 30 khách hàng chủ yếu là nhân viên trẻ ở độ tuổi 20 đến 50 và nam giới trên 50 tuổi mỗi ngày cùng các vật dụng như bịt tai, dép đi trong nhà và cà phê. "Điều thú vị là ai cũng biết về nhu cầu ngủ trưa của mọi người, thế nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ cách mô hình hóa kinh doanh từ điều này. Chúng tôi có rất nhiều khách hàng là đàn ông mặc vest công sở đến nghỉ ngơi còn phụ nữ thì chỉ muốn tìm một nơi để thoát khỏi đôi giày cao gót. Giờ nghỉ trưa là khoảng thời gian cực bận rộn", nhà sáng lập 32 tuổi cho biết. Maria này ra ý tưởng khởi nghiệp quán cà phê nghỉ trưa trong một chuyến đi đến Tokyo - nơi nổi tiếng với những mô hình kinh doanh không gian hạn chế như khách sạn con nhộng. Cô nhận thấy những gì có ở Tokyo cũng hoàn toàn phù hợp với thói quen ngủ trưa ở quê nhà. Một ngày làm việc bình thường ở Tây Ban Nha được chia làm hai phần, giờ nghỉ trưa có thể kéo dài đến hơn hai tiếng đồng hồ, sau đó là những cuộc họp hành đến chiều muộn. "Chúng tôi được yêu cầu kéo dài thời gian mở quán. Nếu trong tương lai startup xác định được nhu cầu ngủ ngắn vào buổi tối muộn, chúng tôi sẽ cân nhắc việc mở Siesta đến đêm", Maria cho biết. Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, người dân Tây Ban Nha tăng đến 1.695 giờ làm việc trong năm 2016, vượt qua cả những quốc gia như Đức và Pháp. Trong các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu, chỉ có Ý và Bồ Đào Nha có số lượng giờ làm việc tương tự. Kể từ khi nước này chỉnh lại giờ nhanh hơn một tiếng từ 1940 để phù hợp với múi giờ của các nước đồng minh như Đức và Ý, nhiều công dân Tây Ban Nha cho biết họ cảm thấy như đang bị jetlag (hiện tượng chênh lệch múi giờ tác động lên cơ thể khi đi du lịch). "Khi châu Âu đi ngủ, Tây Ban Nha vẫn thức. Chúng tôi ở trong múi giờ sai. Đất nước phát triển ì ạch còn văn hóa doanh nghiệp thì cứng nhắc", Nuria Chinchilla, giáo sư ngành quản lý nhân sự tại một trường đại học ở Barcelona cho biết. Những công nhân thường kiệt sức vì ca làm việc quá dài, không ai dám đứng lên về nhà khi sếp của họ vẫn đang ở trong phòng làm việc, bà bổ sung. "Điều này khiến người lao động giảm năng suất làm việc và có thể còn liên quan đến tỷ lệ sinh nở ngày càng thấp. Đơn giản chỉ bởi vì người Tây Ban Nha chẳng còn sức lực và thời gian đâu cho những hoạt động khác khi một ngày kết thúc", Nuria nói. Vấn đề ngày càng trở nên nóng bỏng trên bàn nghị sự quốc gia. Quốc hội Tây Ban Nha cùng nhiều đảng đã hứa hẹn với người dân các biện pháp cắt giảm giờ làm việc. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, thủ tướng Mariano Rajoy cam kết ngày làm việc sẽ kết thúc vào 6 giờ tối. Tuy vậy, các đề xuất và hứa hẹn tới thời điểm này vẫn chưa được thực hiện triệt để. Phương Nguyên Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress