Chiều 9/2, bác sĩ Lê Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, say rượu là một dạng ngộ độc rượu, với nhiều mức độ khác nhau. Khi đó, bệnh nhân không làm chủ được bản thân, có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh. Vì thế say rượu cần được coi là cấp cứu. Uống rượu say ảnh hưởng tới toàn cơ thể. Ngộ độc rượu sẽ ảnh hưởng trước hết tới các hệ cơ quan quan trọng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh... Uống quá nhiều rượu hay bia đều có hại với cơ thể. Ảnh: H.M. Khi bệnh nhân còn tỉnh có thể uống thêm các loại nước hoa quả, nước gạo rang, nước có đường, nước bột sắn... Cần thiết bù nước và các chất điện giải, đường và các loại vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) để giải độc rượu. Người say rượu nặng có biểu hiện hôn mê, ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn... thì không nên ăn, uống vì có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như sặc chất nôn, thức ăn vào phổi... Thay vào đó người nhà nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng. Theo bác sĩ Thuận, bản chất của bia hay rượu là ethanol, uống hại nhiều hơn lợi. Trên thế giới, mỗi nước khác nhau có khuyến cáo cho phép uống bia rượu với tổng lượng khác nhau khoảng 10-40 g một ngày. “Tốt nhất không nên uống rượu bia; nếu uống thì nên ở mức phù hợp với từng thể trạng của mỗi người, và tuyệt đối không được lạm dụng. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính như xơ gan, đái tháo đường, cao huyết áp, phụ nữ có thai, trẻ em, lái xe... thì không được uống”, bác sĩ Thuận nhấn mạnh. Không có một mức uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ rượu bia ảnh hưởng sức khỏe phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Những ngày Tết, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia: - Không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn một ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). - Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. - Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. - Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc. - Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. - Tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia. - Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương… Ăn gì trước khi uống rượu, bia để giảm say xỉn, đau đầu Phương Trang Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress