Cùng với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, tốc độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Thái Lan đạt được nhiều bước tiến đáng kể, theo The ASEAN Post. Năm 2017, các startup xứ Chùa Vàng nhận được tổng cộng 120 triệu USD vốn đầu tư. Riêng các nền tảng thương mại điện tử như Zilingo, aCommerce và Pomelo nhận rót vốn 101 triệu USD. Lĩnh vực khởi nghiệp thương mại điện tử thu hút phần lớn các khoản đầu tư với 29 vòng rót vốn. Theo sau đó là mảng fintech (12 vòng), vận tải và thanh toán điện tử (11 vòng mỗi lĩnh vực). Đối với chính phủ Thái Lan, thúc đẩy khởi nghiệp hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhiệm vụ quan trọng. Những sáng kiến đến từ chính phủ trở thành chìa khóa cho hoạt động ươm tạo startup và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung thông qua việc cung cấp nguồn vốn, các chuyên gia cố vấn và giảm thuế. Chính phủ Thái Lan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đa dạng để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Ảnh: Internet. Năm 2016, Thái Lan thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 570 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp nước này. Trong khi đó, quỹ Kinh tế số phân bổ 285 triệu USD vốn cho các startup công nghệ. Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ Thái Lan định hướng phát triển Bangkok thành thủ đô khởi nghiệp và chuẩn bị xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp mới tại các quận Thung Khru và Pathumwan để hỗ trợ các startup tập trung vào phát triển giải pháp sử dụng khoa học công nghệ. Kể từ tháng 2/2017, chính phủ nước này ban hành quy định miễn giảm thuế 5 năm đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong 10 lĩnh vực bao gồm công nghệ tài chính, công nghệ y tế, nông nghiệp công nghệ cao...Các đơn vị đầu tư mạo hiểm có thể được miễn thuế trong 8 năm. Ngoài ra, các startup fintech còn nhận được nhiều sự hỗ trợ khác nữa khi Ngân hàng Thái Lan năm 2016 tạo các hành lang pháp lý cho những công ty khởi nghiệp liên quan đến thanh toán, chuyển khoản và vay nợ. Ủy ban Chứng khoán (SEC) và Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC) cũng tham gia vào quá trình ban hành các quy định để đảm bảo startup có không gian tự do thử nghiệm thương mại dựa trên thuật toán và bảo hiểm. Môi trường pháp lý thuận lợi tạo bệ đỡ cho hệ sinh thái khởi nghiệp Thái Lan, nâng số startup được tài trợ 3 đơn vị năm 2012 lên 75 trong năm 2016. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của cộng đồng khởi nghiệp còn đến từ việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thái Lan đổ tiền đầu tư vào các startup công nghệ làm trong lĩnh vực có liên quan đến mảng kinh doanh của các "ông lớn". Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản Sansiri Plc rót 1,5 tỷ bath cho quỹ mạo hiểm Siri Ventures từ năm 2018 đến năm 2020 để xây dựng các giải pháp công nghệ địa ốc. Hệ sinh thái khởi nghiệp Thái Lan còn thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực. Ví dụ, quỹ Kejora từ Indonesia mở văn phòng ở Bangkok năm 2017 sau các cơ sở ở Indonesia, Philippines và Singapore. Quỹ này sau đó đầu tư 1,5 triệu USD vào startup fintech Thái có tên MoneyTable. Cùng năm, cơ quan thương mại Singapore (IE Singapore) cũng ký hai biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp Thái là C Asean và Hubba - không gian chia sẻ văn phòng làm việc chung để phát triển song song hệ sinh thái công nghệ giữa cả hai nước. Năm 2018, thị trường startup Thái có thể trở nên cạnh tranh hơn nhờ dòng vốn đổ về các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy và công nghệ chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, hàng loạt các cơ hội chưa được khai thác còn nằm ở lĩnh vực hàng không, nông nghiệp, du lịch và các ngành khác. Trong nông nghiệp, các mảng tiềm năng là hệ thống canh tác mới, chuỗi công nghệ cung ứng và công nghệ nông nghiệp Nhìn chung, các xu thế phát triển của khởi nghiệp Thái Lan được đánh giá tích cực. Quốc gia này có thể tận dụng lợi thế phát triển thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á, kết hợp với các nền tảng giao thông vận tải, thanh toán điện tử và công nghệ tài chính trong bài toán chung. Thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á được đoán sẽ chạm mốc 88 triệu USD năm 2025, theo báo cáo của Google và Temasek "Khởi nghiệp Thái Lan đã đạt được một mức độ nhất định và giờ cần bắt đầu suy nghĩ tới việc mở rộng quy mô ra toàn khu vực. Một thị trường lớn hơn sẽ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư", Jeffrey Paine - đối sáng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gates nhấn mạnh. Tuy vậy, việc mở rộng kinh doanh ra khu vực đồng nghĩa với các startup Thái Lan cũng sẽ phải đối mặt với quy mô thách thức và rủi ro lớn hơn cũng như sự cạnh tranh từ các "đại gia" khác trên thị trường. Lời khuyên trong trường hợp này là tìm được đối tác phù hợp để liên kết và phát triển trên trường quốc tế. Tùng Hạ Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress