Nguồn cơn cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Feb 7, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 180)

    [​IMG]

    Lực lượng an ninh Maldives tuần tra đường phố thủ đô Male hôm 6/2. Ảnh: AP.

    Quốc đảo Maldives trên Ấn Độ Dương đang chìm trong một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống nước này từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao trao trả tự do cho các tù nhân chính trị và phục chức cho những nghị sĩ đối lập, theo CNN.

    Tổng thống Maldives Abdulla Yameen thay vào đó ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, điều binh sĩ tới Tòa án Tối cao và ra lệnh bắt giữ một người tiền nhiệm.

    Trong thông báo phát trên sóng truyền hình quốc gia, ông Yameen khẳng định mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, đồng thời kêu gọi người dân Maldives giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, ông cho rằng Tòa án Tối cao đã hành động "vội vã" và những việc ông làm chỉ nhằm mục đích ngăn chặn "một cuộc đảo chính".

    Bối cảnh chính trị

    [​IMG]

    Tổng thống Maldives Abdulla Yameen. Ảnh: AFP.

    Ông Yameen lên nắm quyền ở Maldives vào năm 2013 sau một cuộc bầu cử nhiều tranh cãi, trong đó các đối thủ của ông cho rằng kết quả đã được sắp đặt. Kể từ đó, Tổng thống Yameen liên tục bị cáo buộc làm xói mòn nền dân chủ, đàn áp những người bất đồng chính kiến và bỏ tù các lãnh đạo đối lập.

    Năm 2016, Maldives rút khỏi Khối Thịnh vượng Chung vì những tranh cãi về vấn đề nhân quyền và Maldives bị cáo buộc gây rạn nứt các thể chế dân chủ.

    Mohamed Nasheed, tổng thống đầu tiên được bầu dân chủ ở Maldives, hồi năm 2015 bị tống giam với cáo buộc khủng bố, song những người ủng hộ ông nói tất cả những bằng chứng buộc tội đều là giả mạo.

    Chính quyền Maldives một năm sau đó cho phép ông Nasheed rời khỏi nhà tù để đi chữa bệnh ở nước ngoài và ông được tị nạn tại Anh. Nasheed hy vọng sẽ đánh bại Tổng thống Yameen trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2018. Thời điểm Tòa án Tối cao Maldives ra phán quyết dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, ông Nasheed đang ở Colombo, thủ đô Sri Lanka.

    Khủng hoảng

    Cuộc khủng hoảng chính trị lên tới đỉnh điểm vào tuần trước khi Tòa án Tối cao Maldives, trong một phán quyết bất ngờ, ra lệnh thả 9 tù nhân chính trị, đồng thời khôi phục chức vụ cho 12 nhà lập pháp từng bị sa thải vì rời bỏ đảng của ông Yameen. Phán quyết trên sẽ giúp phe đối lập chiếm đa số ghế ở hội đồng lập pháp.

    Tổng thống Yameen từ chối tuân thủ phán quyết. Hôm 5/2, ông điều quân đội tới chiếm quyền kiểm soát Tòa án Tối cao ở thủ đô Male.

    Lực lượng an ninh "phong tỏa và khóa chặt tòa nhà trụ sở Tòa án Tối cao từ bên ngoài, vì thế các thẩm phán không có lương thực và nước uống", cựu bộ trưởng tư pháp Maldives Husnu Al Suood viết trên mạng xã hội Twitter.

    Cảnh sát cũng bắt giữ anh trai cùng cha khác mẹ của Tổng thống Yameen, đồng thời cũng là cựu tổng thống Maldives, ông Maumoon Abdul Gayoom, người nắm quyền điều hành đất nước trong suốt 30 năm cho đến khi Maldives chuyển sang chế độ dân chủ. Liên minh giữa ông Gayoom và ông Yameen bị chia rẽ vào năm 2016. Năm ngoái, ông Gayoom đã quyết định gia nhập lực lượng với ông Nasheed để thành lập một liên minh đối lập mới.

    Ông Gayoom bị bắt cùng con rể Mohamed Nadheem vào rạng sáng ngày 6/2 với cáo buộc hối lộ mà phe đối lập Maldives mô tả là "rõ ràng được dựng lên".

    Việc Tổng thống Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp mang đến cho ông quyền hạn đủ lớn để ra lệnh bắt giữ đối với Thẩm phán Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và Thẩm phán Ali Hameed.

    Tổng thống Yameen tuyên bố hành động của ông chỉ nhằm mục đích chặn đứng một cuộc đảo chính, theo Reuters.

    Văn phòng Tổng thống Yameen nhấn mạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp áp đặt một số giới hạn nhất định nhưng sẽ không có bất kỳ lệnh giới nghiêm nào được đưa ra.

    [​IMG]

    Cựu tổng thống Maldives Mohamed Nasheed. Ảnh: Reuters.

    Phản ứng

    Hai cựu tổng thống Maldives kêu gọi Ấn Độ can thiệp nhằm buộc ông Yameen trả tự do cho những thẩm phán và các tù nhân chính trị khác. Ông Nasheed thúc giục New Delhi có sự "hiện diện" trên quốc đảo này.

    Ấn Độ hiếm khi can dự vào tình hình ở những quốc gia khác, song vào thập niên 1980, New Delhi từng giúp đỡ phá vỡ một âm mưu đảo chính tại Maldives.

    Trong một thông báo, Ấn Độ kêu gọi quốc gia láng giềng Maldives tuân thủ luật lệ. "Với tinh thần dân chủ và pháp quyền, các cơ quan chính phủ Maldives cần tôn trọng và tuân thủ mệnh lệnh từ Tòa án Tối cao", thông báo cho hay.

    Trung Quốc, quốc gia đang cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ ở Maldives, cho rằng cuộc khủng hoảng nên được giải quyết nội bộ.

    Ít nhất đến lúc này, ông Yameen dường như nhận được sự ủng hộ từ quân đội. Các bản tin trên kênh truyền hình quốc gia cho thấy hình ảnh một số binh sĩ quân đội và sĩ quan cảnh sát đã thề hy sinh tính mạng để "bảo vệ chính phủ hợp pháp".

    Tòa án Tối cao Maldives ngày 6/2 thay đổi quyết định trao trả tự do cho 9 tù nhân chính trị, vài giờ sau khi hai thẩm phán bị bắt, theo BBC. Ba thẩm phán còn lại của Tòa án Tối cao đã ra một thông báo cho biết phán quyết trước đây bị thu hồi "vì những mối quan ngại mà Tổng thống nêu lên". Quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay tại Maldives.

    Thiên đường du lịch

    Nằm ở phía tây nam Ấn Độ và Sri Lanka, Maldives nổi tiếng thế giới với biệt danh "thiên đường du lịch". Năm 2017, Maldives tiếp nhận gần 1,4 triệu lượt khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có hàng trăm nghìn người từ Trung Quốc và Anh, theo số liệu chính thức.

    Bộ Ngoại giao Maldives ngày 6/2 ra thông báo trấn an du khách rằng tình hình tại đây vẫn ổn định và không ảnh hưởng tới hoạt động du lịch.

    "Tất cả hoạt động liên quan đến du lịch đều sẽ diễn ra như bình thường và tình hình hiện nay tại Maldives vẫn ổn định", thông báo cho biết. "Tình trạng khẩn cấp không đặt ra bất kỳ giới hạn nào đối với việc di chuyển tới Maldives cũng như đi lại bên trong Maldives".

    Tuy nhiên, Trung Quốc đã ra cảnh báo yêu cầu người dân hạn chế tới Maldives cho đến khi căng thẳng lắng dịu. Ấn Độ và Anh cũng phát đi thông báo tương tự.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua khuyến cáo công dân không nên đến Maldives vì khủng hoảng chính trị.

    Vũ Hoàng

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Nguồn cơn cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives

Share This Page