Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo tỉnh Bến Tre, chứng kiến bố mẹ phải làm việc vất và để nuôi bảy anh chị em ăn học, Nguyễn Phúc Hậu (sinh năm 1988) từ nhỏ đã khơi dạy ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương. Vốn học giỏi, Hậu được nhiều người quen nhờ dạy con học. Ban đầu là dạy hộ, nhưng sau đó nhiều người trong xóm thấy ngại nên góp tiền trả Hậu coi như học phí. Số tiền không lớn nhưng đủ giúp cậu thanh niên học chưa xong lớp 12 mua đồ dùng học tập cùng vài món quà nho nhỏ tặng bố mẹ và các em. Năm 2006, anh thi đậu khoa bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược Cần Thơ, hai năm sau Hậu thôi học do sức khỏe không thể đáp ứng yêu cầu của nghề. Ngay năm đó, Hậu tiếp tục ôn thi và đỗ vào trường Đại học Kinh Tế TP HCM. Từ đây, cậu dần hình thành suy nghĩ khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, Hậu tìm hướng kinh tế nông nghiệp để theo đuổi mục tiêu. Hậu từng bị chế nhạo khi gom bã mía làm sản phẩm thời gian đầu. Ảnh: Nhân vật cung cấp Trở về quê làm cán bộ thị trấn Bình Đại được gần hai năm, Hậu đột ngột bỏ ngang để mở cửa hiệu kinh doanh thuốc, thức ăn chăn nuôi tôm. Một năm sau, anh trắng tay bởi đợt đó tôm trong khu vực mắc bệnh chết rất nhiều, bà con thiếu nợ không thể trả tiền thức ăn cho tôm đã mua chịu trước đó. Hậu lúc này trở thành con nợ với món tiền hơn 200 triệu đồng. "Lên mạng tìm hiểu cách chữa bệnh cho tôm giúp dân mong gỡ lại chút vốn, tôi vô tình đọc được thông tin về ông Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu sử dụng bột bã mía để phòng các bệnh trên tôm và có hiệu quả. Ngay lập tức tôi liên hệ với ông để tìm hiểu", Hậu kể lại. Bằng kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, Hậu tin biện pháp này hợp lý và khả thi. Từ đó, anh bắt tay vào nghiên cứu sản xuất sản phẩm bã mía phù hợp ao nuôi tôm thâm canh theo đặc trưng môi trường. Sau thất bại từ lần khởi nghiệp đầu, Hậu không vội làm ngay mà chọn nghiên cứu kỹ. Qua tài liệu trên Internet, anh hiểu được mía là nguồn cung cấp thức ăn, môi trường cho hệ vi sinh có lợi phát triển để át chế các vi khuẩn gây bệnh cho tôm. Bột bã mía giúp ổn định môi trường, tăng sức đề kháng, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm, phục hồi khoáng chất cho đất ao nuôi… Thời điểm này, món nợ chưa trả được, Hậu cũng gần như không còn vốn. Vay mượn bạn bè, bán đi một ít tài sản cá nhân, anh xoay xở được khoảng 10 triệu đồng để bắt đầu làm sản phẩm. Bắt đầu chuỗi ngày đi quanh làng gom bã mía, Hậu chịu không ít sự chế nhạo, nghi ngờ từ nhiều người. May mắn lúc này, anh có gia đình tin tưởng. Lần đầu làm ra thành phẩm thất bại, hơn 60% bã mía ủ vi sinh không lên men. Sau hai tháng điều chỉnh thời gian ủ, thay đổi loại men vi sinh với hàng chục lần tiếp tục thất bại, sản phẩm bột bã mía vi sinh ra đời như Hậu hình dung. Chưa dừng lại ở đó, Hậu vẫn muốn cải tiến thêm. Nguyễn Phúc Hậu bên sản phẩm bột bã mía vi sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp Là sản phẩm mới, chưa từng có ai làm trước đó nên người dân không dám mua dùng thử, Hậu áp dụng luôn cho ao nuôi tôm gia đình. "Đến thời gian thu hoạch tôm, tôi so sánh với những ao không dùng sản phẩm. Kết quả thu được, ao dùng sản phẩm về đích tốt và tiết kiệm được hơn 30% chi phí so với những ao xung quanh, mang lại lợi nhuận 100 triệu đồng mỗi 1.000 m2", anh cho biết Thấy bột bã mía là sản phẩm có tiềm năng phát triển tại mảnh đất Bến Tre, Hậu mạnh dạn nhập lượng lớn bã mía nguyên liêu từ nhà máy đường. Những người trước đó phản đối giờ dần nhận ra công dụng của sản phẩm. Bột bã mía vi sinh của Hậu bắt đầu có thị trường tại quê hương. Sau hơn hai năm hoạt động, sản phẩm được nhiều người biết đến. Hiện anh phân phối bột bã mía vi sinh tại các tỉnh nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và bắt đầu mở rộng sang Ninh Thuận (miền Trung) và Nam Định (miền Bắc). Trung bình mỗi tháng, Hậu bán ra thị trường 30 tấn bột mía vi sinh. Để mở rộng thị trường, Hậu lên kế hoạch ba bước cho tương lai gồm nhờ chuyên gia tư vấn mô hình quản lý, kinh doanh; liên kết trung tâm khoa học nhờ tư vấn công nghệ phát triển sản phẩm và tiến hành đăng ký độc quyền thương hiệu, chuẩn bị hồ sơ pháp lý. Hậu cho biết sắp tới anh cũng sẽ nghiên cứu thêm một số biện pháp sinh học (trong đó có thảo dược) để phòng bệnh cho tôm, hướng đến mô hình nuôi tôm sạch, bền vững với môi trường. "Với những kiến thức mới nghiên cứu, tôi mang áp dụng cho ao nhà và có kết quả tốt. Trong năm 2018, tôi dự định mở khu nuôi theo quy trình sinh học rộng khoảng 3 ha. Bên cạnh đó, tôi đang thuyết phục nhiều người nuôi tôm trong khu vực thực hiện theo hướng sinh học, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí và ứng phó với hiện tượng thay đổi khí hậu", anh nói. Công ty nhỏ của Hậu đạt được nhiều giải thưởng trong năm qua như giải nhất chương trình khởi nghiệp thử thách sáng tạo xã hội, giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, giải nhì cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp và giải ba cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Huyền Trang Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress