Việc con người đặt chân lên Mặt Trăng trở thành cột mốc đáng nhớ trong lịch sử. Ảnh: Cosmos Magazine. Sau những chuyến thám hiểm không gian, con người để lại nhiều thiết bị khoa học và cả các loại vật dụng không còn dùng đến trên bề mặt Mặt Trăng, Science Alert hôm 2/2 đưa tin. Ngày 20/7/1969, các phi hành gia trên tàu vũ trụ Apollo 11 lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại. Từ đó đến tháng 12/1972, NASA trở lại Mặt Trăng thêm 5 lần nữa và tiến hành nhiều thử nghiệm khác nhau. Sau 6 chuyến du hành, NASA đã để lại tổng cộng 809 vật thể trên bề mặt Mặt Trăng. Tính cả những vật thể do Nga để lại trong chương trình nghiên cứu Mặt Trăng Luna, có khoảng 187.400 kg vật thể nhân tạo ở nơi này. Trong số những vật thể nhân tạo trên Mặt Trăng, có cả các thiết bị khoa học quan trọng lẫn vật dụng không còn dùng đến. Các phi hành gia NASA từng cắm 6 lá cờ Mỹ và lắp đặt 4 thiết bị phản xạ ánh sáng nhằm giúp các nhà khoa học tính toán khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Nhờ đó, các nhà khoa học phát hiện Mặt Trăng đang di chuyển ra xa khỏi Trái Đất khoảng 3,8 cm mỗi năm. Các phi hành gia cũng phải đối mặt với vấn đề trọng lực khi phóng tàu vũ trụ rời khỏi Mặt Trăng nên họ bỏ lại những vật dụng không cần thiết như một số bộ phận của tàu vũ trụ. Một số vật dụng cá nhân hay các túi nôn, túi chất thải, thậm chí hai quả bóng golf mà phi hành gia Alan Shepard chơi trên Mặt Trăng năm 1971 cũng được để lại tại đây. Thu Thảo Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress