“Bong bóng” bitcoin và altcoin có thể sẽ vỡ nhưng công nghệ blockchain sẽ là nền tảng cho sự bùng nổ nhanh chóng và mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đầy triển vọng tại châu Á. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc: khẳng định không cấm các hoạt động kinh doanh, giao dịch tiền điện tử Nhìn lại 60 ngày tồi tệ nhất của bitcoin. Hệ thống an ninh mạng của Ukraine hỗ trợ hợp pháp hóa các khoản tiền ký quỹ Trung Quốc đang thực sự trấn áp tiền ảo? Ngày 6/1, trên Twitter lan truyền bức ảnh chụp một thông báo chính thức từ cơ quan quản lý tài chính internet của Trung Quốc mà hai ngày sau đó, nó cũng được chính thức công bố. Theo đó, chính quyền các tỉnh, thành phố Trung Quốc được yêu cầu ngừng trợ cấp cho những công ty chuyên “đào” bitcoin và đảm bảo họ sẽ “ngoan ngoãn” rút lui khỏi thị trường tiền ảo. Đối với những công ty đứng ngoài thế giới tiền ảo, đây chỉ là một thông báo rất bình thường không hơn không kém từ phía chính phủ Trung Quốc. Nhưng đối với cộng đồng bitcoin, bao gồm cả những nhà đầu tư đang ném tiền vào đồng tiền ảo này sau đợt tăng “phi mã” trong năm 2017, thông điệp này lại dấy lên nhiều hoang mang. Trung Quốc chiếm khoảng 70% tổng công suất “đào” bitcoin (thuật ngữ ám chỉ hành động tạo ra các đồng bitcoin mới bằng cách giải thuật toán phức tạp sử dụng các phần mềm tinh vi). Vì vậy, việc chính phủ Trung Quốc mạnh tay đàn áp hoạt động “đào” bitcoin (bằng cách hạn chế nguồn điện cần thiết cho quá trình “đào”) có thể đẩy chi phí “đào” tiền ảo lên cao hơn và tái định hình lại thị trường bitcoin. Tệ hơn nữa, đặc biệt là đối với giới đầu tư bitcoin, đây có thể là dấu chấm hết cho thời kỳ bùng nổ giao dịch bitcoin hiện tại. Tuy nhiên, khi Trung Quốc chính thức ra tuyên bố này, thị trường tiền ảo dường như đã phớt lờ lời cảnh báo đó, và giá bitcoin tiếp tục giảm về ngưỡng 15.000 USD, theo số liệu của CoinDesk. Giá đồng tiền ảo này tiếp tục giảm sau đó, thậm chí về dưới ngưỡng 10.000 USD vào ngày 17/1, giảm khoảng một nửa giá trị so với thời điểm lên kỷ lục được ghi nhận vào một tháng trước đó (19.783 USD). Vậy nhưng, trong bối cảnh giá bitcoin liên tiếp giảm vì chính sách đàn áp của chính phủ Trung Quốc, hoạt động kinh doanh tiền ảo vẫn diễn ra như thường lệ bên trong các trụ sở ở Bắc Kinh của Bitmain Technologies, công ty “đào” bitcoin lớn nhất thế giới. Ông Nishant Sharma, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của Bitmain, cho rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc chỉ đang nhằm vào một số công ty “đào” cụ thể. Bitmain, với sự hậu thuẫn của công ty Sequoia của Mỹ, dường như không nằm trong danh sách những công ty “đào” bitcoin bị buộc phải “ngoan ngoãn” rời bỏ thị trường tiền ảo của chính phủ Trung Quốc. “Thông báo của cơ quan chức năng [Trung Quốc] sẽ chỉ tác động đến những công ty ‘đào’ bitcoin bất hợp pháp, tức là không trả hóa đơn tiền điện và nộp thuế đầy đủ,” ông Sharma trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review vào ngày 11/1 vừa qua. Trước thông báo ngày 8/1, chính phủ Trung Quốc cũng đã tuyên bố cấm người dân sử dụng bitcoin và hoạt động ICO (phát hành tiền ảo lần đầu tiên ra công chúng). Liệu chính phủ Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô đàn áp ngành công nghiệp “đào” bitcoin tới đâu? Rõ ràng, chính phủ Bắc Kinh đã nhận thức được tầm quan trọng của blockchain (công nghệ cơ bản của bitcoin) cũng như khả năng blockchain có thể làm rối loạn hệ thống ngân hàng, bảo hiểm vào giao dịch chứng khoán toàn cầu. “Bất cứ khi nào tôi nói chuyện với cơ quan chức năng, họ đều khẳng định mình đang khuyến khích phát triển các công nghệ dựa trên blockchain ở Trung Quốc,” ông Kevin Guo, người đồng sáng lập và đồng Chủ tịch công ty cho vay đồng đẳng Dianrong, cho biết. Tất nhiên, Trung Quốc không hề đơn độc trong hành trình kiểm soát bitcoin nói riêng và thị trường tiền ảo nói chung. Hồi giữa tháng 1, bộ trưởng tài chính Pháp và Đức từng tuyên bố sẽ đề xuất một bộ khung pháp lý toàn cầu cho tiền ảo trong cuộc họp G-20 vào tháng 3 tới. Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc mới đây cũng cấm giao dịch tiền ảo ẩn danh từ ngày 30/1, theo đó buộc các ngân hàng phải có hệ thống xác minh danh tính khách hàng. Thậm chí tại Nhật Bản, quốc gia vốn rất chào đón công nghệ blockchain, các cơ quan chức năng cũng bị buộc phải triển khai rà soát an ninh trên phạm vi cả nước sau sự việc một lượng tiền ảo trị giá 500 triệu USD trên sàn Coincheck bị mất trộm vào hồi tháng 1. Chính phủ nhiều nước trên toàn thế giới đều đồng loạt lên tiếng cảnh báo về việc sử dụng tiền ảo để rửa tiền và để thực hiện các hành vi phạm tội khác. Các quan chức cũng bày tỏ lo ngại về thiệt hại tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính nếu bong bóng bitcoin nổ tung. Sau đợt tăng “phi mã” 1.330% của bitcoin vào cuối năm ngoái, rất nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư và giám đốc ngân hàng đã gắn từ “bong bóng”, “âm mưu”, thậm chí là “mô hình đa cấp Ponzi” cho bitcoin. Bitcoin có “vỡ” hay không thì blockchain mới là điều đáng quan tâm Mặc dù vậy, vẫn có một vài người hoài nghi về khả năng “bong bóng” bitcoin sẽ vỡ. Tuy nhiên, thứ sẽ không “sớm nở tối tàn” chính là loạt công nghệ vượt trội đang hỗ trợ cho bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung, từ blockchain cho tới những loại thiết bị bán dẫn tinh vi mới khác. Kết quả sau cùng lại là sự bùng nổ nhanh chóng và mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đầy triển vọng. Thậm chí, những công nghệ này sẽ góp phần hình thành nên một ngành công nghiệp mới, tương tự như sự kiện bong bóng dot-com trong những năm 1990 đã tạo ra nhiều ngành công nghiệp liên quan đến internet. Tuy nhiên, không giống như những năm 1990, ngành công nghiệp mới nổi này sẽ không bị độc quyền bởi Thung lũng Silicon, mà nhiều doanh nghiệp mới có quy mô lớn và tân tiến nhất sẽ hình thành ở châu Á. Theo Kinh tế & Tiêu dùng Biên soạn lại bởi Blogtienao The post [Bài 1] Theo sau bitcoin và tiền ảo sẽ là sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp châu Á appeared first on Blogtienao.com. Nguồn: Blogtienao