Giảm doanh số Theo số liệu thống kê mới nhất từ Canalys, doanh số bán hàng thị trường smartphone Trung Quốc năm 2017 đã giảm 4% so với năm trước, xuống còn 459 triệu chiếc. Đây cũng là lần giảm đầu tiên sau 8 năm (từ 2009 đến 2017) tăng trưởng mạnh mẽ. Thị trường smartphone Trung Quốc giai đoạn 2009 đến 2017. Những năm qua, dù thị trường smartphone thế giới suy giảm, ở đây vẫn giữ mức tăng trưởng hai con số. Huawei, Oppo và Vivo là ba cái tên thống trị. Năm 2017, Huawei vẫn dẫn đầu thị trường khi bán ra trên 24 triệu chiếc smartphone trong quý IV, tăng 9% so với năm trước, trong khi Oppo và Vivo đã có sự sụt giảm lần lượt là 16% và 7% so với năm 2016. Theo nhà phân tích Hattie He của Canalys, việc suy giảm có thể sẽ tác động xấu đến các nhà sản xuất trong nước, vốn phụ thuộc vào thị trường quê nhà. "Không chỉ giảm dòng tiền về doanh thu và lợi nhuận, nó còn ảnh hưởng đến khả năng vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, cuộc chiến thị phần trong nước sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết", He nhận định. Sự thay đổi theo thời gian Giai đoạn 2010 đến 2015, thị trường smartphone chứng kiến sự cạnh tranh lẫn nhau giữa Apple và Samsung. Thế nhưng, trong hai năm qua, các thương hiệu điện thoại chạy Android đến từ Trung Quốc nổi lên như một thế lực lớn, trực tiếp đe dọa hai "ông lớn" này bằng những mẫu máy đa dạng về chủng loại, cấu hình và đặc biệt là mức giá rất phải chăng. Theo BBC, mặc dù người dùng ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh hay Thượng Hải vẫn chọn smartphone Galaxy hay iPhone như là thiết bị "cần phải có", các mẫu máy giá rẻ lại cực kỳ thịnh hành ở nông thôn. Thay vì sử dụng điện thoại tính năng vốn chỉ để nghe - gọi - nhắn tin, nhiều người đã dùng smartphone giá rẻ để tiếp cận công nghệ, vốn có mức giá cũng không quá chênh lệch. Mate 10 Pro của Huawei có thông số tương tự iPhone 8 nhưng giá rẻ hơn 30%. Để giúp người dùng tiếp cận smartphone giá rẻ, Oppo và Vivo (thuộc sở hữu của tỷ phú Duan Yong Ping) đã không chọn cách bán hàng trực tuyến. Thay vào đó, họ mở các cửa hàng bán lẻ ở các tỉnh nông thôn, tài trợ gần như toàn bộ chi phí mở cửa hàng, thậm chí là mặt bằng. Đồng thời, những cửa hàng này cũng nhận mức chiết khấu cao hơn để kích thích bán hàng. Cách tiếp cận này đã thành công vang dội. Năm 2016, thị trường Trung Quốc chứng kiến sự bùng nổ của smartphone giá rẻ, đẩy thị phần điện thoại cơ bản xuống rất thấp. Thậm chí, theo nghiên cứu của Counterpoint Research, nó đã đẩy các ông lớn công nghệ khác như Samsung, Apple để chiếm lĩnh thị phần trong nước. Năm 2017, Samsung đã gần như biến mất khỏi thị trường lớn nhất thế giới, còn Apple đang đứng trước nguy cơ bị bật khỏi top năm bởi sự đe dọa của Meizu và Gionee. Sự bão hòa của thị trường Vậy tại sao lại có sự suy giảm và tại sao lại có dự đoán cho rằng thị trường lớn nhất thế giới đang bị suy thoái ở lĩnh vực điện thoại thông minh? Theo Mo Jia, nhà phân tích của Canalys, hiện nay người tiêu dùng đã "bội thực" điện thoại giá rẻ và họ cảm thấy họ không cần nó nữa. "Mọi người cho rằng smartphone bây giờ đã quá phổ thông và họ cần nhiều hơn thế. Tôi cho rằng thị trường này (thị trường smartphone giá rẻ) đang biến mất để chuẩn bị cho sự xuất hiện của một loại thị trường thiết bị khác", Jia nhận định. Thị trường smartphone Trung Quốc đang có sự bão hòa. Cũng theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường này, smartphone giá rẻ, nhiều tính năng đang có vòng đời cao hơn, lên tới 26,8 tháng. Điều này đồng nghĩa với người dùng không vội nâng cấp chiếc điện thoại của mình. Rất có thể, điều đó sẽ còn xảy ra cho đến năm 2019, khi Trung Quốc triển khai mạng 5G. Ông Jia nhấn mạnh, dù iPhone mang mác "sang trọng", song người dùng đã không còn chú ý đến nhiều. Nó chỉ thúc đẩy những người có tiền mua sắm, trong khi người dùng ít tiền hơn chọn smartphone giá rẻ Trung Quốc vốn có các thông số kỹ thuật, phần cứng và tính năng tương đương, lại có mẫu mã ngày càng đẹp, bền và giá thấp hơn nhiều lần. "Do đó, khi lựa chọn thiết bị mới, người mua cũng nhìn vào Huawei, Oppo hay Vivo thay vì thương hiệu khác như trước", ông Jia nói. "Đánh chiếm" thị trường nước ngoài Việc thị trường Trung Quốc lâm vào tình trạng bão hòa khiến các nhà sản xuất smartphone trong nước phải tìm kiếm người dùng các khu vực khác trên thế giới. Riêng ba nhà sản xuất điện thoại hàng đầu Trung Quốc, việc đẩy mạnh thị trường nước ngoài đối với họ là cực kỳ quan trọng, là mục tiêu cần phải thực hiện ngay trong 2018. "Oppo và Vivo đang cố gắng mở rộng thị trường sang nhiều nước như Nga, Nhật Bản, cũng như tập trung đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Xiaomi đang làm rất tốt ở Ấn Độ và đang mở rộng sang Thái Lan. Trong khi đó, Huawei vẫn hướng người dùng đến các thiết bị giá rẻ và tầm trung", ông Jia phân tích. Riêng với Huawei, việc hướng mục tiêu đến thị trường Mỹ không thành công (điển hình là việc không thể đàm phán với các nhà mạng để phân phối Mate 10 Pro do lo ngại về an ninh) đã khiến hãng phải chuyển hướng sang các thị trường đang phát triển có tiềm năng hơn, như Đông Nam Á hay châu Phi. Bên cạnh đó, hãng cũng củng cố vị thế tại một số thị trường thuộc châu Âu. Bảo Lâm Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ