Theo Báo cáo Chỉ số các quốc gia sáng tạo của Bloomberg năm 2018 (2018 Bloomberg Innovation Index) được công bố cuối tuần trước, Châu Á đóng góp bốn đại diện Hàn Quốc (1), Singapore (3), Nhật Bản (6), Israel (10). Đến từ châu Âu có Thụy Điển (2), Đức (4), Thụy Sĩ (5), Phần Lan (7), Đan Mạch (8) và Pháp (9). Báo cáo xếp hạng năm 2018 đánh giá 200 nền kinh tế toàn cầu. Mỗi quốc gia được chấm dựa trên thang điểm 0-100 từ 7 hạng mục, bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, mức độ chi tiêu và tập trung của các công ty công nghệ cao, năng suất, số lượng bằng sáng chế... Số liệu được tổng hợp, phân tích và nghiên cứu từ nhiều nguồn như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)...Các quốc gia không cung cấp được báo cáo cho ít nhất 6 hạng mục sẽ bị loại bỏ. Từ đó danh sách chỉ còn lại 80 nước và Bloomberg rút gọn còn 50. Các quốc gia có nền kinh tế sáng tạo hàng đầu thế giới chia sẻ nhiều giá trị chung như cam kết đầu tư của chính phủ vào các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ và đẩy mạnh số lượng bằng sáng chế, phát minh khoa học. Đồ họa: Văn Đức Mỹ lần đầu tiên rơi khỏi top 10 danh sách. Theo các chuyên gia, Mỹ tụt hạng từ vị trí thứ 9 xuống thứ 11 năm nay do việc bị mất tới 8 điểm trong thang điểm đánh giá giáo dục bậc Trung học cơ sở và Đại học, bao gồm số sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật trong lực lượng lao động giảm sút. Các giá trị gia tăng trong quá trình sản xuất cũng đi xuống dù điểm ở hạng mục năng suất được cải thiện. "Các quốc gia khác đã kịp thời có nhiều chính sách đổi mới thông minh, tạo hành lang pháp lý cho các quỹ tài trợ sáng tạo hoạt động, giảm thuế cho các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm", ông Robert D. Atkinson, Chủ tịch Tổ chức Công nghệ thông tin và Đổi mới ở Washington, DC cho biết. Bên cạnh đó, ông cũng nhận định xu hướng các Chính phủ tập trung hơn vào nghiên cứu khoa học công nghệ, tài trợ cho các sáng kiến thương mại hóa khoa học công nghệ...chưa có dấu hiệu dừng lại. Singapore - đại diện duy nhất đến từ Đông Nam Á vượt lên nhiều nền kinh tế châu Âu khác nhau Đức, Thụy Điển, Phần Lan để dành vị trí thứ 3. "Singapore luôn chú trọng đầu tư cho việc giáo dục người dân, đặc biệt là tinh thần kỷ luật, phong cách làm việc công nghiệp trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ. Ngoài ra, chính phủ cũng thể hiện cam kết mạnh trong việc đầu tư vào các nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo", ông Yeo Kiat Seng, Giáo sư trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore cho biết. Hàn Quốc duy trì vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng. Tập đoàn Samsung, công ty giá trị nhất của đất nước này tính theo vốn hóa thị trường nhận được rất nhiều bằng sáng chế Mỹ. Hàn Quốc đang trở thành một nhà cung cấp hiệu quả các sản phẩm chất bán dẫn, di động thông minh và các thiết bị điện tử truyền thông kỹ thuật số khác ra toàn thế giới tương tự như các tập đoàn Nhật Bản Sony và Toyota Motor. Trung Quốc tăng hai bậc lên vị trí thứ 19 nhờ tỷ lệ cao ở những sinh viên mới tốt nghiệp ngành khoa học, kỹ thuật trong lực lượng lao động và số lượng bằng sáng chế của các doanh nghiệp đổi mới như Huawei. "Các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc chia sẻ một giá trị chung đó là việc mọi người chấp nhận thất bại như là một phần của quá trình phát triển. Sự đổi mới chậm lại ở những quốc gia có nền văn hóa không ưa chuộng mạo hiểm, rủi ro và chỉ coi các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ là một phần chi phí chứ không phải một khoản đầu tư thích đáng", ông Prinn Panitchpakdi, Giám đốc khu vực một công ty chứng khoán châu Á và đầu tư nhận định. Theo ông, Thái Lan là một ví dụ nằm trong nhóm nước không có văn hóa chấp nhận mạo hiểm và tụt một điểm trên bảng xếp hạng, ở vị trí 45. Phương Nguyên Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress