Nhắc đến những sứ mạng khám phá vũ trụ, NASA chắc chắn là cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta. Ngoài họ ra còn ai nữa? NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) Đây có lẽ là cơ quan vũ trụ lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới. Năm 1958, Tổng thống Mỹ Eisenhower thành lập NASA và hướng đến những mục đích dân sự trong khoa học không gian, đồng thời không để kém cạnh với đối thủ lớn lúc bấy giờ là Liên Xô. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, hầu hết các phi vụ thám hiểm không gian cho đến nay đều do NASA đảm nhiệm. Ed White là người Mỹ đầu tiên đi bộ ngoài không gian năm 1965 - (Ảnh: NASA). Có thể kể đến một số phi vụ nổi tiếng như bao gồm nhiệm vụ đáp xuống mặt trăng trong chương trình Apollo (1961-1972), chương trình Mercury (1959-1963), chương trình Gemini (1961-1966), trạm không gian Skylab (1965-1979) - trạm không gian đầu tiên do Hoa Kỳ xây dựng độc lập, và chương trình tàu con thoi (1972 - 2011)… NASA chuyên tập trung vào tìm hiểu Trái đất thông qua những hệ thống quan sát Trái đất tiên tiến nhất. Đồng thời, NASA còn nghiên cứu mặt trời và các hành tinh với những vệ tinh chuyên biệt như Juno bay vòng quanh Sao Mộc, Cassini vòng quanh sao Thổ, hay Magellan khám phá Sao Kim. Ngoài ra, NASA còn nghiên cứu nghiên mặt trời, các thiên thể ngoài Hệ mặt trời, đồng thời thực hiện những sứ mạng lớn, điển hình là mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa. ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) Hình ảnh sân bay vũ trụ Guyane của ESA - một trong những sân bay có vị trí đắc địa nhất thế giới - (Ảnh: ARIANE SPACE). ESA là một tổ chức liên chính phủ thành lập năm 1975 đảm nhiệm sứ mạng khám phá vũ trụ của Liên minh châu Âu. Lúc mới thành lập, ESA thường hợp tác với NASA trong những phi vụ thám hiểm nhằm cùng cạnh tranh với ngành công nghiệp vũ trụ của Liên Xô. Chiến lược lúc đầu của ESA là phát triển ngành công nghiệp vũ trụ không người lái, tuy nhiên dần dần mở rộng thị trường và bớt lệ thuộc vào NASA. Trong những năm 1990, với hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến Ariane-4, ESA đã trở thành người tiên phong trong lĩnh vực tên lửa đẩy thương mại. ESA hiện có 22 quốc gia thành viên và đặt trụ sở chính tại Paris, Pháp. Ngân sách của ESA trong năm 2017 ước tính 5,75 tỉ euro. ESA hiện sở hữu một trong những sân bay vũ trụ đắc địa nhất thế giới: Guyane (tiếng Pháp: Centre Spatial Guyananis) ở Kourou tại Guyane thuộc Pháp. Sân bay thường được dùng làm nơi phóng tên lửa đẩy do nằm ở gần xích đạo khiến quỹ đạo phóng lên các quỹ đạo chính xác và ít tốn chi phí hơn vì lợi dụng được tốc độ quay của Trái đất. CSA (Cơ quan Vũ trụ Canada) Các nhà khoa học kiểm tra vệ tinh Anik A vào đầu thập niên 70 - (Ảnh: CSA). Đây là cơ quan chịu trách nhiệm các chương trình không gian của Canada, được thành lập vào tháng 3-1989, sau đó lấy tên Canada Space Agency (CSA) vào tháng 10-1990. Từ lâu, Canada đã được biết đến là một trong những quốc gia tiếp cận đầu tiên đến hàng không vũ trụ. Cụ thể, Alouette-1 ra đời vào năm 1962 là vệ tinh đầu tiên trên thế giới không phải do 2 cường quốc Liên Xô và Mỹ chế tạo. Ngoài ra, vệ tinh Anik A của Canada cũng là vệ tinh nội địa đầu tiên trên thế giới. Những thành công này cùng với nhiều sự kiện nổi bật khác đã thôi thúc chính phủ Canada thành lập cơ quan chuyên trách đảm nhiệm công việc nghiên cứu vũ trụ. JAXA (Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản) Tên lửa H-IIA được phóng lên năm 2014 mang theo tàu Hayabusa-2 của JAXA - (Ảnh: AP). Được thành lập vào tháng 10-2003, JAXA là cơ quan độc lập có chức năng là nghiên cứu, phát triển, thám hiểm và khai thác tiềm năng vũ trụ của Nhật Bản. JAXA nhận trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và phóng các vệ tinh đồng thời nghiên cứu các thiên thạch. Vào tháng 7 tới đây, tàu vũ trụ Hayabusa-2 của JAXA sẽ tiến đến thiên thạch tên 1162173 Ryugu, sau khi được phóng đi vào năm 2014 từ Trung tâm Không gian Tanegashima tại miền nam Nhật bằng tên lửa H-IIA. Đây là một trong những sự kiện của ngành hàng không vũ trụ được trong đợi trong năm 2018. Nhiệm vụ của tàu vũ trụ này là thu thập các mẫu đất đá trên thiên thạch và quay về Trái đất dự kiến năm 2020. RKA (Cơ quan vũ trụ Nga) Các phi hành gia người Nga đang lắp ráp một số chi tiết của Trạm vũ trụ quốc tế ISS - (Ảnh: NASA). Được thành lập vào tháng 12-1992, RKA, còn có tên khác là Roskosmos, tiếp nối sứ mệnh của chương trình khám phá vũ trụ bị đứt đoạn sau sự kiện tan rã của Liên Xô. Thời gian đầu cơ quan này gặp không ít khó khăn, tuy nhiên đến những năm 2005-2006, khi kinh tế Nga khởi sắc trở lại sau khủng hoảng, RKA có thêm kinh phí để theo đuổi những phi vụ của mình. Đến năm 2015, tổng ngân sách dành cho chương trình không gian của RKA là khoảng 186,5 tỉ rúp, tương đương 3,31 tỉ USD. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV