Tạm thay thuốc trị ung thư máu cho bệnh nhân trong khi chờ thuốc viện trợ

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Jan 19, 2018.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 199)

    Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM cho biết, trong khi chờ được nhập khẩu thuốc chữa ung thư máu Glivec theo diện viện trợ thì tạm ngưng kê toa thuốc này. Riêng bệnh nhân mới được chẩn đoán, điều trị chưa đạt đáp ứng về mặt huyết học, thì tạm thời thay thế bằng thuốc Hydroxyurea để khống chế bạch cầu.

    Theo bác sĩ Dũng, Glivec hiện không có thuốc thay thế, song bệnh nhân có thể trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc uống giảm liều. Mức độ ảnh hưởng của việc ngưng hoặc giảm thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân nên bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc việc ngưng, giảm liều hay tạm dùng thuốc khác thay thế.

    "Thuốc Glivec tốt nhất là nên dùng liên tục nhưng với những bệnh nhân đã điều trị tạm ổn trong 1-2 năm, đáp ứng sinh học phân tử thì có thể ngưng thuốc vài tháng. Một số nghiên cứu trên thế giới cũng tiến hành cho bệnh nhân ngưng thuốc 6 tháng đến một năm để đánh giá theo dõi", bác sĩ Dũng chia sẻ.

    Các bác sĩ ở 7 bệnh viện điều trị ung thư trong chương trình thuốc viện trợ Glivec (VPAP) cũng đang áp dụng giải pháp sử dụng thuốc tương tự Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, hoặc giảm liều uống.

    Theo chương trình VPAP, bệnh nhân mắc bạch cầu mạn dòng tủy tại Việt Nam được viện trợ miễn phí 60% thuốc Glivec (thuốc điều trị trúng đích), bảo hiểm chi trả 40%. Do vướng mắc về thủ tục hồ sơ cấp phép viện trợ nên hơn một tuần nay, nhiều người bệnh ung thư không có thuốc viện trợ để uống, chỉ nhận phần thuốc bảo hiểm. Do đó liều dùng thuốc giảm 1/3 hoặc gần 50% ngày uống thuốc trong tháng. Thông thường bệnh nhân uống 4 viên Glivec một ngày kéo dài cả tháng, thì nay chỉ được 2-3 viên một ngày hoặc uống chỉ 12 ngày mỗi tháng.

    [​IMG]

    Quầy cấp phát thuốc viện trợ Glivec tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM. Ảnh: Lê Phương.

    Glivec do tập đoàn Novartis (Thụy Sĩ) sản xuất, giá bán tại Việt Nam một viên khoảng 400.000 đồng. Nếu phải trả phí, trung bình bệnh nhân tốn hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Để giảm gánh nặng cho người bệnh, nhiều năm qua thuốc được nhà sản xuất viện trợ kết hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả.

    Vướng mắc nảy sinh khi nghị định số 54 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo phải đầy đủ như một hồ sơ xin cấp giấy phép lưu hành sản phẩm. Việc thẩm định hồ sơ cũng phải thực hiện đúng trình tự và thời gian theo quy định. Do đó Novartis gặp khó khăn trong thủ tục, khiến thuốc viện trợ đến người bệnh bị chậm trễ.

    Để tháo gỡ, Chính phủ vừa đồng ý cho các cơ sở tiếp nhận thuốc viện trợ với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ. Viện Huyết học Truyền máu Trung ương được tiếp nhận 247.440 hộp Glivec, Bệnh viện Chợ Rẫy 1.888 hộp, Bệnh viện Ung bướu TP HCM 1.603 hộp và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM 4.804 hộp.

    Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội và TP HCM, các cơ sở y tế liên quan khẩn trương lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ Glivec gửi cơ quan có thẩm quyền, các bệnh viện phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc, chỉ đưa vào sử dụng những thuốc còn hạn dùng và đảm bảo chất lượng.

    Các bệnh viện đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp nhận nguồn thuốc viện trợ, dự kiến trong 1-2 tuần tới.

    Lê Phương

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Tạm thay thuốc trị ung thư máu cho bệnh nhân trong khi chờ thuốc viện trợ

Share This Page