Sáng 16/1, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã tiến hành hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai công tác năm 2018. Tham gia sự kiện có Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải cùng đại diện nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp. Báo cáo thống kê của Ban công tác ghi nhận trong năm 2017, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đã tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tháng 12/2017, tỉ lệ này đạt khoảng 10%, đứng thứ 3 khu vực ASEAN và thứ 5 khu vực châu Á (nguồn APNIC) với khoảng 4 triệu người dùng (nguồn Cisco). Hạ tầng IPv6 Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định với sự kết nối hệ thống của tất cả các doanh nghiệp lớn, trong đó tiêu biểu là FPT Online, FPT Telecom và VNPT. Đặc biệt, hội nghị ghi nhận báo điện tử VnExpress của FPT Online là đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi thành công IPv6. Thậm chí, FPT Online đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sử dụng IPv6 sớm 2 năm so với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cũng như kế hoạch ban đầu gửi Ban công tác. Tỉ lệ lưu lượng IPv6 kết nối trong nước của báo VnExpress tăng trưởng mạnh lên 8,55 % và tỉ lệ đi quốc tế đạt khoảng 27% (tỉ lệ ứng dụng IPv6 trung bình đạt khoảng 10%). Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải đánh giá cao thành tích của FPT Online và báo VnExpress. "Mặc dù tỷ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam vẫn còn thấp so với mức trung bình 23% của thế giới, nhưng trong năm 2017 chúng ta đã làm tốt rất nhiều nội dung. Đặc biệt là FPT Telecom, FPT Online trong việc đưa khách hàng của mình sử dụng IPv6 cũng như đưa toàn bộ website VnExpress theo chuẩn 'IPv6 Ready'", Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhận xét. Ông Nguyễn Văn Ngọc, quản lý kỹ thuật bộ phận nội dung số của FPT Online, cho biết hiện nay toàn bộ các website của công ty đã sẵn sàng cho IPv6. Trong năm 2018, đơn vị có kế hoạch đăng ký chứng chỉ và đặt logo IPv6 trên toàn hệ thống website của VnExpress. Tuy nhiên, qua trao đổi và thảo luận, các bộ ngành và doanh nghiệp cũng nêu ra một số khó khăn còn tồn tại. Bao gồm việc đồng bộ hệ thống với các thiết bị đầu cuối, việc triển khai IPv6 trên thuê bao di động, số lượng khách hàng không ổn định trong giai đoạn đầu, sự bất đồng trong cách thức và phương pháp triển khai, bên cạnh tâm lý e ngại của nhiều đơn vị và vấn đề cơ chế, quy định. "Việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 không chỉ là vấn đề không gian địa chỉ. Đây còn là một xu thế của thời đại bởi nó liên quan tới đòi hỏi về công nghệ bảo mật, giao tiếp với các hệ thống khác, các dịch vụ mới liên quan (4G, 5G), nhu cầu thu thập thông tin dữ liệu người dùng... Có thể nói công nghệ này đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vấn đề phát sinh mới của người sử dụng", ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Phó trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho biết. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải trao bằng khen cho tập thể, cá nhân của FPT Online. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, tập thể Trung tâm kỹ thuật của FPT Online và cá nhân ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Hạ tầng FPT Online - đã được nhận bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác triển khai IPv6 năm 2017 của Ban Công tác. Ra đời ngày 26/2/2001, VnExpress là báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam không ra bản in giấy. Theo thống kê năm 2016 của Google Analytics, VnExpress có 46 triệu người đọc thường xuyên (user), tạo ra 15,8 tỷ lượt truy cập (pageview). Mỗi tháng, báo thu hút hơn 1,2 tỷ pageview, trong đó 40% thiết bị truy cập là máy tính, 54% bằng điện thoại và 6% thông qua máy tính bảng. Địa chỉ IP là chuỗi số được phân cho mỗi website hay thiết bị kết nối Internet. Giao thức IPv4 chứa 4,3 tỷ địa chỉ IP nhưng sự bùng nổ của các thiết bị có khả năng hỗ trợ Internet toàn cầu, đặc biệt là các thiết bị di động, khiến nguồn địa chỉ này cạn kiệt từ năm 2011. Giao thức IPv6 đã ra đời, mang đến không gian địa chỉ lớn hơn, dễ quản lý với cấu trúc định tuyến phân cấp, bảo mật cao và hỗ trợ thiết bị di động tốt hơn. Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 do Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra được chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn một là giai đoạn chuẩn bị trong các năm 2011-2012, giai đoạn hai là giai đoạn khởi động, kéo dài từ 2013 đến 2015 và cuối cùng là giai đoạn chuyển đổi từ 2016 đến 2019. Tính đến 6/2017, tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 9% (theo APNIC) với 4.300.000 người dùng IPv6 (số liệu của Cisco), đứng thứ 3 khu vực ASEAN, đứng thứ 5 khu vực Châu Á. Bảo Nam Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ