Cheng Wei - nhà sáng lập công ty chia sẻ xe Didi Chuxing (Trung Quốc) từngcố gắng từ chối tiếp nhận từ nhà đầu tư huyền thoại Masayoshi Son. CEO nói ông không cần tiền bởi công ty đã gọi được số vốn 10 triệu USD. “Tốt thôi”, Son gật đầu rồi gợi ý chuyển thẳng số tiền này cho một trong các đối thủ của Didi. Cheng lập tức nhượng bộ và chấp nhận đầu tư với con số 5 tỷ USD cho vòng gọi vốn lớn nhất từng có với một startup công nghệ. Tháng 11/2017, Son làm việc tương tự với Uber. Cảnh báo lần này là nếu startup gọi xe không chấp nhận thỏa thuận mà ông đưa ra, số tiền sẽ được chuyển cho đối thủ của họ là Lyft. Cuối cùng, Uber đành chấp nhận khoản đầu tư 9 tỷ USD. Masayoshi Son là người giàu nhất nước Nhật với khối tài sản trị giá 22 tỷ USD. Ông là chủ tịch tập đoàn Softbank - cái tên đứng sau những thương vụ đầu tư khổng lồ chưa có tiền lệ trong giới startup. Trong năm qua, Masayoshi Son nổi bật trong giới công nghệ. Ông được xếp vào danh sách những nhà đầu tư khổng lồ với Quỹ Tầm nhìn trị giá 100 tỷ USD của Softbank. Đơn vị đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau như gọi xe, làm chip, văn phòng chia sẻ, xây dựng vệ tinh, làm robot và thậm chí là dự án trồng cải trong nhà. Phong cách giao dịch của Son lúc nào cũng khiến mọi người ngạc nhiên. Theo những người có liên quan, sau khi thỏa thuận, ông thường gặp trực tiếp các nhà sáng lập, khuyến khích họ lấy nhiều hơn số tiền mà họ mong muốn. Ông sử dụng tập chi phiếu quá khổ làm "vũ khí". Trên con đường ấy, người đàn ông Nhật đã làm rung chuyển các đối thủ với tầm ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ và thay đổi cuộc chơi đầu tư startup, theo cách tốt hơn hoặc tệ hơn. “Việc này là chưa từng có tiền lệ”, Steven Kaplan, Giáo sư trường kinh doanh Booth, Đại học Chicago - nhà đồng sáng lập một chương trình doanh nhân, nhận định. Doanh nhân người Nhật tự mô tả bản thân như một tín đồ thực sự trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Son cũng cho mình là lập dị, với niềm tin một ngày nào đó máy tính sẽ kết nối với não và cơ thể con người. Tuy nhiên, ông cũng đứng trước rất nhiều hoài nghi của dư luận. Việc quản lý tiền bạc khi đầu tư vào startup gọi xe hay các vệ tinh phải làm gì với nông nghiệp trong nhà là những điều mọi người thường tự vấn. Son năm nay 60 tuổi. Kể từ ngày thành lập Softbank vào năm 1981, ông đã nắm trong tay hàng trăm thương vụ đầu tư. Trong thời kỳ bong bóng dot-com cuối những năm 90 và đầu thập niên 2000, khi cổ phiếu của các công ty công nghệ được đầu cơ, ông được ví là người đàn ông giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, phần lớn những giao dịch thời điểm đó thất bại. Danh tiếng của Son chỉ đến từ thương vụ đầu tư với tập đoàn Alibaba vào năm 2000, bắt đầu với 20 triệu USD. Cổ phần của Softbank tại tập đoàn này hiện có giá trị 15,5 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 138 tỷ USD. Đây là một trong những khoản đầu tư mạo hiểm sinh lời lớn nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ Son may mắn và may mắn chỉ có thể đến một lần. Liệu ông có thể lặp lại cuộc đầu tư chấn động ấy? Son từ chối bình luận về câu chuyện này. Một phát ngôn viên của Softbank cho rằng kỷ lục của Son không chỉ với Alibaba mà còn trải rộng ở việc đầu tư vào Sprint, Yahoo! và Supercell - nhà phát triển các game như Clash Royale. Masayoshi Son và Jack Ma. “Một tỷ USD một phút” Một giao dịch thú vị nhất gần đây của Son là vào tháng 9/2016, thời điểm Mohammed bin Salman còn là Phó Thái tử Saudi Arabia. Vị hoàng tộc bay sang Tokyo để tìm phương cách đa dạng hóa nguồn dầu của nước mình. Ông gặp Son - người đề ra ý tưởng lập một quỹ đầu tư lớn nhất lịch sử để hỗ trợ cho các startup công nghệ. Chỉ trong chưa tới một giờ đồng hồ, bin Salman đã đồng ý trở thành nhà đầu tư nòng cốt. “45 phút và 45 tỷ USD. Một tỷ USD cho mỗi phút”, Son nói trong một chương trình truyền hình hồi tháng 9 năm ngoái. Theo hãng nghiên cứu Preqin, doanh nhân người Nhật đã thực hiện 100 thương vụ đầu tư chỉ trong năm ngoái với tổng giá trị 36 tỷ USD. Số tiền này nhiều hơn tổng đầu tư của hai công ty nổi tiếng tại thung lũng Silicon (Mỹ) là Sequoia Capital và Silver Lake. Son hầu như thực hiện mọi cuộc thương lượng của Softbank dù phía sau có đội ngũ sáng giá từ các hãng lớn như Deutsche Bank, Goldman Sachs hay Morgan Stanley. Các cộng sự sẽ giới thiệu dự án cho Son nhưng ông chính là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ông có thể được gọi là nhân vật chủ chốt của Quỹ Tầm nhìn. Việc này rất lạ lẫm nếu biết rằng ở các quỹ đầu tư khác có rất nhiều cá nhân với những định hướng ảnh hưởng riêng đến quyết định cuối cùng. Nhà tài phiệt người Nhật thường đi cùng cộng sự nếu có một cấu trúc thỏa thuận phức tạp, như với Uber. Trong trường hợp này, Softbank mua lại phần lớn cổ phần thông qua một đề nghị với khía cạnh pháp lý phức tạp bởi một số vấn đề trong hội đồng quản trị và dự án có quá nhiều nhà đầu tư. Son cũng có cách tiếp cận rất lạ lùng. Ông thường mời nhà sáng lập đến Tokyo để gặp trực tiếp và nói chuyện bằng tiếng Anh. Nhà đầu tư thường bắt đầu với một cuộc gặp chính thức tại phòng họp ở tầng 26 tại trụ sở Softbank. Sau đó, ông cùng khách mời và cộng sự di chuyển sang khu vực riêng ở cùng tầng lầu. Quan khách có thể thả bộ trong khu vườn hoặc thư giãn trên chiếc thảm trải truyền thống của Nhật. Đầu bếp riêng sẽ chuẩn bị các món ăn đặc biệt để thết đãi khách. Trong khu vực này, những chiếc tivi màn hình to trình chiếu những trận bóng chày của đội SoftBank Hawks. Mặc dù vậy, mọi người cũng có cuộc nói chuyện với nhau. “Ông ấy hỏi rất nhiều. Nếu bạn thích việc suy nghĩ thật sâu, thật nhanh và nghệ thuật, đó là một trải nghiệm tuyệt vời”, Greg Wyler, CEO OneWeb - nhà cung cấp vệ tinh nhân tạo từng nhận một tỷ USD đầu tư từ Softbank, hé lộ. Các nhân viên của Son tìm hiểu rất kỹ về dự án trước khi vị chủ tịch chính thức gặp gỡ nhà sáng lập. Chính vì vậy, ông có cảm quan rất nhạy rằng có nên đầu tư hay không trước khi buổi gặp diễn ra. Các câu hỏi của ông thường tập trung vào việc kích thích người đối diện nghĩ thoáng hơn về các cơ hội. Eugene Izhikevich được mời tới Tokyo vào tháng 5. Nhà thần kinh học nổi tiếng người Nga sống tại San Diego (Mỹ) để phát triển startup xây dựng não bộ cho robot. Izhikevich muốn thuyết phục Son đầu tư hàng chục triệu USD để phát triển loại robot mà ông tin là có thể trở nên phổ biến trong một hoặc hai thập kỷ tới. “Son cắt ngang khi tôi mới trình bày được một nửa và nói ‘Tôi hiểu rồi’. Ông hỏi cần bao nhiêu tiền để tôi đạt được mục tiêu”, Izhikevich kể. Nhà thần kinh học người Nga nhận ra Son muốn đưa nhiều tiền hơn con số ông mong đợi với điều kiện tiến độ công việc phải được đẩy nhanh lên. Son không muốn đợi 10 hay 20 năm nữa mà cần 3-5 năm. “Tầm nhìn mà chúng tôi cùng thống nhất là robot ở khắp mọi nơi. Điều khiến tôi muốn phát điên là quá lâu để đạt được điều đó. Khi gặp Son, tôi đã tìm ra được câu trả lời”. Tháng 7 năm ngoái, Softbank công bố đầu tư 114 triệu USD vào công ty Brain Corp của Izhikevich. CEO rất biết ơn số tiền này nhưng ngược lại phải thừa nhận áp lực rất lớn với những kỳ vọng từ phía Son. Nhà đầu tư người Nhật hầu như không động tay gì nữa sau khi đã chi tiền và giữ liên lạc với nhà sáng lập startup qua điện thoại hoặc email. Ông chỉ ngồi trong hội đồng quản trị ở một số ít công ty như Sprint, Alibaba và ARM Holdings - công ty làm chip mà ông thâu tóm năm 2016 với giá 32 tỷ USD. Thời điểm Sprint gặp vấn đề, ông mới bắt đầu can thiệp sâu vào công ty để cùng giải quyết. Son nắm trong tay số lượng lớn cổ phần của SoftBank tại nhiều startup nổi bật trên thị trường thế giới, trong đó có hai công ty giá trị nhất là Uber và Didi. Son cũng cho thấy ông có thể giúp các doanh nhân theo đuổi những tham vọng lớn hay những giấc mơ đắt đỏ chỉ với một tấm séc. “Với tất cả những nhà sáng lập mà tôi từng làm việc, Son chính là cái tên số một trong danh sách của họ”, Mark Tluszcz, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Mangrove Capital Partners chia sẻ. Chủ tịch tập đoàn SoftBank Masayoshi Son. Bài kiểm tra mang tên Uber Có lẽ không khoản đầu tư nào của Son quan trọng tới danh tiếng của ông hơn với Uber lần này. Chủ tịch SoftBank đặt cược rất lớn vào CEO Dara Khosrowshahi. Nhà tân điều hành cam kết sẽ thay đổi văn hóa và gia tăng cạnh tranh trước khi đưa Uber lên sàn thành công trong tương lai. “Đây là một bài kiểm tra quan trọng với SoftBank. Thị trường sẽ phán quyết ván bài của Son khi Uber IPO”, Chris Lane, nhà phân tích từ công ty quản lý đầu tư Sanford Bernstein nhận định. SoftBank hiện nắm cổ phần tại những startup gọi xe lớn nhất tại Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Đông Nam Á. Bốn trong số đó cạnh tranh với nhau, thậm chí là tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ và Indonesia. Chính vì thế, Son có lẽ muốn khuyến khích các đối thủ cạnh tranh trong hòa bình, sáp nhập các hoạt động tại một số quốc gia để tiết kiệm hàng tỷ USD tiền hỗ trợ cho các lái xe và người tiêu dùng. Đơn cử là Grab - dịch vụ gọi xe lớn nhất tại Đông Nam Á, có thể thâu tóm hoạt động của Uber tại khu vực. Trong khi đó, Didi có khả năng sẽ ảnh hưởng đến Grab một khi họ muốn mở rộng phạm vi ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Son có thể làm cũng nằm ở trong giới hạn nhất định. Ông không nắm giữ số cổ phần có thể kiểm soát hoạt động ở bất cứ công ty nào, kể cả Uber hay Grab. Vì lẽ đó, vị doanh nhân không thể ép họ phải làm theo ý mình một khi đội ngũ sáng lập hay các nhà đầu tư khác không đồng thuận. Nhưng ông hoàn toàn có thể giúp họ thấy được những lợi ích về mặt kinh tế. “SoftBank sẽ cố gắng hết sức để loại trừ cạnh tranh không lành mạnh”, Lane nói. Tại một hội nghị của SoftBank hồi tháng 7 năm ngoái, nhiều người đặt câu hỏi liệu Alibaba có là thành công duy nhất của Son và thành công đó liệu có phải từ may mắn. Người đàn ông Nhật dẫn chứng một số thương vụ đầu tư mang lại cho ông 44% giá trị mỗi năm, trong đó có Alibaba. Và cũng có những khoản đầu tư mang lại giá trị 42% mà không có tên Alibaba trong đó. “Có thể bạn nghĩ là may mắn với Alibaba. Điều này đúng. Phải nói là tôi rất biết ơn Jack Ma. Nhưng nếu bạn vẫn cứ tiếp tục may mắn hết lần này đến lần khác thì chính là nằm ở khả năng của bạn. Sau tất cả, đó là sự thông minh”, ông đáp trả. Anthony Tan - đồng sáng lập Grab nhớ lại lần gặp đầu tiên với Son cách đây vài năm, khi tỷ phú người Nhật cân nhắc việc đầu tư vào startup này. Khi cả hai trò chuyện, Son nhắc đến việc ông từng hỗ trợ rất sớm cho Jack Ma - một giáo viên vô danh mà sau đó trở thành người giàu nhất Trung Quốc. “Mấy năm trước, Jack Ma ngồi ở chỗ của cậu. Anthony à, số tiền của tôi sẽ giúp ích cho cậu và cũng giúp cho tôi. Còn nếu không nhận tiền đầu tư của tôi, e là không tốt chút nào cho cậu”, Tan nhớ lại những câu mà Son nói với ông. Như rất nhiều người khác, Tan chấp nhận khoản tiền của Son. Trương Sanh (theo Bloomberg) Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress