Hiện tại, robot và con người đã có sự "giao thoa về mặt tình cảm", mặc dù mới chỉ là một chiều, như việc một số người tuyên bố họ yêu và muốn kết hôn với robot, hay áp dụng được công nghệ để tạo ra những robot có thể giao tiếp và trò chuyện. Mối quan hệ giữa này được dự đoán sẽ còn tiến triển hơn nữa trong tương lai. Theo Daily Mail, 35 năm tới, con người sẽ yêu và thậm chí kết hôn với những cỗ máy có trí thông minh nhân tạo, đơn giản bởi robot rồi sẽ "hấp dẫn hơn con người". Chúng có thể sở hữu ngoại hình quyến rũ và hấp dẫn, biết đáp ứng mọi mong muốn của người sở hữu. Khi trí thông minh nhân tạo phát triển thêm nữa, robot có nhân cách có thể đủ khả năng để giữ chân con người trong một cuộc "hôn nhân". "Cuộc hôn nhân đầu tiên sẽ xảy ra trước năm 2050", Tiến sĩ David Levy, tác giả của cuốn sách Tình yêu và Giới tính với Robot tuyên bố tại một hội nghị mới đây ở London, Anh. Hội nghị này thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới với nội dung xoay quanh mối quan hệ giữa con người với robot trong tương lai, không chỉ ở vấn đề tình dục. Các bài thuyết trình tại hội nghị cũng nói rằng robot sẽ trở thành "bạn đồng hành" ngày càng được ưa chuộng trong phòng ngủ. Trong nghiên cứu khác được trình bày tại hội thảo ở đại học Goldsmiths (Anh), các nhà nghiên cứu đã khảo sát 263 nam giới tuổi từ 18 đến 67. Những người tham gia được xem các đoạn video về một robot mang dáng hình của người phụ nữ trong hai phút. Các "thước đo nhân cách" và "xếp hạng độ hấp dẫn" đã được tiến hành. Khi những người đàn ông này được hỏi liệu họ sẽ mua một robot như vậy cho bản thân ngay bây giờ hoặc trong năm năm tới không, kết quả cuối cùng đầy bất ngờ với hơn 40,3% đồng thuận. Zheng Jiajia và "cô vợ" Yingying. Hồi tháng 4 vừa qua, Zheng Jiajia 31 tuổi người Trung Quốc, đã quyết định kết hôn với robot do mình tạo ra có tên Yingying sau khi thất bại quá nhiều lần trong việc tìm kiếm một người bạn đời phù hợp. Lễ cưới đã diễn ra long trọng với sự tham dự của mẹ anh và bạn bè tại Hàng Châu. Mặc dù không chính thức được công nhận bởi luật pháp, đám cưới vẫn có đủ các nghi lễ theo đúng phong tục truyền thống tại địa phương. Zheng chỉ là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời ở quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giới tính 113,5 nam trên 100 nữ này. Tất nhiên, không phải ai cũng giống Zheng, một kỹ sư từng làm việc tại công ty điện tử Huawei, có đủ kiến thức và kinh nghiệm để tạo ra một con robot cho mình. Nhưng trong tương lai, khi người máy trở thành một loại hàng hóa, khó có thể đoán được sẽ có bao nhiêu thanh niên đến tuổi trưởng thành lựa chọn một đối tác xinh đẹp và "dễ bảo" thế này. Trước đó vài tháng, hồi cuối năm 2016, một cô gái người Pháp tên Lilly cũng kết hôn với robot có tên InMoovator do cô tự chế tạo bằng công nghệ in 3D. Lý do của Lilly khá đơn giản, cô không thích đụng chạm cơ thể với người khác giới. "Tôi thực sự chỉ thấy cuốn hút bởi robot sau khi thử yêu 2 người đàn ông. Tôi cảm thấy mình không thích hợp 'đụng chạm' da thịt với con người", Lilly chia sẻ trên Twitter. Trợ lý ảo trong thiết bị Gatebox . Tại Nhật Bản, một công ty đã phát triển thành công Gatebox, thiết bị có thể tạo ra một nhân vật 3D ảo có tên Azumi Hikari. Azuma Hikari là một trợ lý ảo, được dựng bằng kỹ thuật số trông như một nhân vật anime bị nhốt trong lọ, có thể giao tiếp với người dùng bằng giọng nói, thậm chỉ điều khiển một số thiết bị thông minh như đèn, loa... Không chỉ vậy, nó còn có thể nhắc việc và thậm chí nhắn tin hỏi thăm người dùng. Sử dụng trí thông minh nhân tạo, robot này có thể tự điều chỉnh để phù hợp theo nhịp độ sinh hoạt hàng ngày của người sở hữu, hiểu được họ đang làm gì, chào đón chủ nhân khi về nhà và có cả cảm biến xác định khi nào chủ nhân thức dậy. Mặc dù có mức giá khá cao, tới 2.500 USD, các đơn đặt mua Gatebox đã rất nhanh chóng được gửi tới nhà sản xuất. Bản sao nữ diễn viên Scarlett Johansson, được tạo ra bởi một chuyên gia thiết kế đồ hoạ, có khả năng nháy mắt và cười khúc khích khi mọi người nói với cô ấy rằng cô rất dễ thương. Theo tiến sĩ Levy, trong tương lai, robot không những phổ biến mà có thể còn được mô phỏng theo ngoại hình của những người nổi tiếng. "Bạn có thể tưởng tượng tới việc có một robot trông giống như Angelina Jolie và có thể thỏa mãn bất cứ yêu cầu nào của bạn không", ông nói. "Tất nhiên nếu bạn là Angelina Jolie và có một công ty sản xuất ra một sản phẩm như vậy, bạn sẽ nhận được tiền bản quyền với giá từ 1.200 đến 2.500 USD cho mỗi robot. Và điều này đồng nghĩa với việc những người này có thể kiếm hàng triệu USD chỉ bằng cách cấp phép cho robot giống mình được tạo ra". Mai Anh Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ