Gear Fit2 Pro vẫn giữ kiểu dáng vòng đeo tay thiết kế cũ tương tự "đàn anh" Gear Fit2 ra mắt cách đây khoảng nửa năm, nhưng tinh chỉnh lại một số chi tiết để phù hợp hơn với người dùng. Phần mặt sau được thiết kế ôm cong vào cổ tay hơn, kết hợp với dây nhựa dẻo tạo cảm giác vừa tay, thích hợp cho cả với những ai có cổ tay nhỏ. Mặt trước và mặt sau Gear Fit2 Pro Phần dây nhựa khá liền mạch với máy, kết hợp với họa tiết 3D khá đẹp mắt, không tạo cảm giác rẻ tiền. So với Gear Fit2, phần dây này dễ dàng tháo lắp hơn rất nhiều nhờ vào kết cấu chốt mới, chỉ cần nhấn với lực vừa đủ là có thể tháo ra dễ dàng. Tuy nhiên, rất khó để nó rơi ra khi hoạt động vì kết cấu chốt khá chặt. Với trọng lượng 34 gram, thiết bị khá nhẹ, không tạo cảm giác vướng víu khi đeo. Hai phím điều hướng (Home và Back) nằm ở cạnh phải cho phép thao tác thuận tiện, dễ nhấn. Năm nay, Samsung bổ sung tính năng hỗ trợ bơi lội cho Gear Fit2 Pro, do đó hãng đã nâng cấp tính năng chống nước lên chuẩn 5 ATM thay vì IP68. Chuẩn chống nước mới cho phép chịu được áp lực nước ở độ sâu lên đến 50 mét, là chuẩn kháng nước dành cho các thiết bị bơi lội chuyên nghiệp. Riêng phần màn hình máy cũng được phủ một lớp chống bám nước, do đó, người dùng có thể dễ dàng nhìn vào màn hình khi đang ở trong hồ bơi, thậm chí là đang bơi. Gear Fit2 Pro hỗ trợ chống nước chuẩn 5 ATM. Gear Fit2 Pro không được nâng cấp nhiều về mặt cấu hình so với thế hệ cũ. Máy có màn hình 1,5 inch, giảm so với 1,58 inch của Gear Fit2. Tuy nhiên, tấm nền AMOLED mới độ phân giải 216 x 432 pixel cho khả năng hiển thị sáng hơn, rực rỡ và độ nét cao hơn. Tính năng tự động làm mờ màn hình khi không nhìn vào giúp tiết kiệm pin hơn. Bên trong, smartband của Samsung được trang bị vi xử lý lõi kép tốc độ 1 GHz, RAM 512 MB và chạy hệ điều hành Tizen trên nguồn pin 200 mAh. Những thông số này gần như không đổi so với thế hệ trước đó. Gear Fit2 Pro có thể hoạt động độc lập để theo dõi nhịp tim (kể cả theo dõi theo thời gian thực khi tập luyện), đo bước cầu thang hay đo bước đi, khoảng cách chạy bộ, quãng đường đạp xe nhờ tích hợp GPS. Tuy nhiên, để smartband này hoạt động hiệu quả nhất, cần kết nối nó với smartphone thông qua ứng dụng Samsung Gear và quản lý việc theo dõi sức khỏe bằng Samsung Health. Khi đó, các thông số đo được sẽ đồng bộ với điện thoại và tài khoản Samsung, từ đó giúp người dùng dễ quản lý hơn. Tính năng nhận và từ chối cuộc gọi trên Gear Fit2 Pro. Nhắm tới người dùng thích bơi lội, Samsung đã trang bị cho Gear Fit2 Pro nhiều tính năng. Bên trong, máy được cài sẵn các ứng dụng đo lường bơi lội chuyên nghiệp và có thể tải thêm trên cửa hàng Samsung App. Sau đó, các dữ liệu về khoảng cách, thời gian, kiểu bơi, tốc độ sẽ được thu thập và phân tích, từ đó đánh giá chính xác hơn hiệu quả tập luyện của người dùng. Tuy vậy, điểm đáng tiếc trên smartband này là vẫn chưa thể đếm được số lần quay đầu khi bơi. Ngoài việc đo quãng đường bơi được, smartwatch này còn có thể tự động kích hoạt chế độ Water Lock nhằm ngăn các bong bóng khí chạm vào màn hình cảm ứng, khi đó màn hình chuyển sang màu đen. Có thể tùy biến mặt đồng hồ và theo dõi các thông số khi kết nối với điện thoại. Tất nhiên, khả năng tùy biến trên Gear Fit2 Pro cũng khá đa dạng, với các mặt đồng hồ và ứng dụng chuyên biệt trong máy và hơn 3.000 ứng dụng trên cửa hàng, hỗ trợ người dùng bất cứ lúc nào. Máy ngoài xem giờ như một smartwatch còn có thể nhận thông báo, cuộc gọi, điều khiển điện thoại chơi nhạc, mở ứng dụng, xem bản đồ... khá tiện lợi. Pin 200 mAh cho thời gian sử dụng khoảng 5 ngày liên tục. Nhưng theo trải nghiệm, thời gian sử dụng thực tế chỉ là hơn 3 ngày nếu hoạt động độc lập và khoảng 1,5 ngày nếu kết nối liên tục với smartphone qua bluetooth. Nhìn chung, với mức giá 4,2 triệu đồng, Gear Fit2 Pro là thiết bị đáng lựa chọn trong tầm giá, bên cạnh các mẫu khác như Fitbit Charge 2 hay Garmin Vivosport nhờ nhiều tính năng hay, đặc biệt là tính năng dành cho bơi lội. Tuy nhiên, việc nguồn pin chỉ ở mức trung bình sẽ là rào cản lớn nếu ai muốn dùng với thời gian lâu. Bảo Lâm Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ