Theo báo cáo của Đại học Quốc gia TP HCM tại hội nghị thường niên ngày 27/12, một trong những chiến lược quan trọng của đại học này trong năm 2018 là phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ với chủ đề hoạt động "Khoa học công nghệ - nâng tầm hội nhập". Trường tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác khoa học đã ký kết với Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2017-2020, hai bên sẽ phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực vật lý, hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển... Đây cũng là những nội dung được Thủ tướng phê duyệt trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 và Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020. Sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM trong một triễn lãm khoa học, công nghệ. Ảnh: Mạnh Tùng. Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ tìm kiếm các nguồn hỗ trợ kinh phí tăng cường trang thiết bị, năng lực nghiên cứu, tăng kinh phí từ các nguồn ngoài ngân sách để phát triển nguồn lực khoa học công nghệ. Cơ chế xét duyệt đề tài cấp Đại học Quốc gia sẽ được chuyển sang cơ chế đầu tư dài hơi cho các nhóm nghiên cứu tạo sản phẩm khoa học có giá trị cao, như các bài báo ISI. Việc tham gia đấu thầu, tuyển chọn đề tài cấp quốc gia từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho năm tới nhằm tăng nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ và khai thác nguồn nhân lực cũng được đại học này chú trọng. Đến hết tháng 9, Đại học Quốc gia TP HCM đã công bố gần 1.800 bài báo, báo cáo hội nghị trên tất cả lĩnh vực. Mục tiêu sắp tới là tăng gấp đôi số bài báo khoa học, giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn 5 năm trước đó. Đại học Quốc gia TP HCM đặt mục tiêu đăng ký ít nhất một sáng chế tại Mỹ, thành lập doanh nghiệp và tăng doanh thu từ khoa học, công nghệ 10% so với năm 2017. Trước đó, tại lễ khai khóa năm học này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã "đặt hàng" đại học phối hợp với các sở ngành nghiên cứu quy hoạch ba quận ở khu Đông thành phố trở thành một khu đô thị sáng tạo, có không gian hạ tầng và công nghệ hoàn chỉnh. Riêng Đại học Bách khoa TP HCM, ông Nhân đề nghị trường nghiên cứu sâu lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, vi mạch và thiết bị nông nghiệp. Đại học này đang cùng Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng chủ nhiệm chương trình Tây Nam bộ, nhằm giải quyết các bài toán lớn tại các tỉnh ở khu vực này về môi trường, kinh tế, xã hội. Đại học Quốc gia TP HCM được đặt hàng xây dựng khu đô thị sáng tạo và đô thị thông minh. Ảnh: Mạnh Tùng. Được thành lập từ năm 1995, hiện Đại học Quốc gia TP HCM có 7 thành viên gồm Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quốc tế, Kinh tế - Luật, Công nghệ thông tin và Viện Môi trường - Tài nguyên cùng hơn 30 đơn vị trực thuộc. Khối đại học này có hơn 5.400 cán bộ, giảng viên với hơn 300 người có trình độ giáo sư, phó giáo sư; gần 1.200 tiến sĩ. Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress