Mặc dù không được đào tạo kiến thức bài bản về nông nghiệp, Trần Thị Hường (Hường Trần, sinh năm 1989) trở thành nhà sáng lập doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ chùm ngây như bột chùm ngây, xà phòng, dầu chùm ngây, ngũ cốc, trà, viên nan chùm ngây, son… Hường bén duyên với chùm ngây từ năm 2013, khi mang bầu bé thứ hai. "Tôi tìm nhiều phương pháp nuôi con thông minh, giúp con khoẻ từ khi thai kỳ. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy chùm ngây có nhiều công dụng đặc biệt với phụ nữ sau sinh", nữ CEO trẻ nhớ lại. Trần Thị Hường (giữa) và các cộng sự. Ảnh: Nhân vật cung cấp Hiếu kỳ với loài thực vật thân gỗ, Hường mang hạt giống cây về trồng thử tại vườn nhà. Chùm ngây bắt đầu rẽ nhánh là lúc cô hạ sinh một bé trai khoẻ mạnh. Bé biết lẫy là khi cây cao ngang thắt lưng, có thể thu hoạch lá. Thời gian này, bà mẹ bỉm sữa thường hái lá chùm ngây về nấu canh. Hường cho biết: "Tôi ăn lá chùm ngây thấy hợp, sữa về nhiều hơn cho con. Các hiện tượng sau sinh như đau vết mổ, rụng tóc, hoa mắt chóng mặt cũng thuyên giảm. Con trai trộm vía cứng cáp, khoẻ mạnh". Tin những thay đổi tích cực này do chùm ngây mang lại, Hường nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cây chùm ngây. Cận ngày đi làm sau giai đoạn nghỉ sinh, Hường viết đơn xin nghỉ việc kế toán tại công ty Hàn Quốc. Chị Hường tại khu trồng chùm ngây. Ảnh: Nhân vật cung cấp Vừa chăm con, vừa tìm hiểu nhiều hơn về cây thuốc, Hường phát hiện chùm ngây là loài cây dễ sống, ít sâu bệnh, xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới như Hy Lạp, Ấn Độ. Loài cây này được người dân dùng nhiều bởi tính đa dụng như lá để ăn, thân làm trà, rễ làm thuốc, hạt dùng để lọc sạch nguồn nước… Theo nghiên cứu của Đại học PES (Ấn Độ), chùm ngây chứa lượng vitamin C cao gấp bảy lần cam, vitamin A cao hơn cà rốt 10 lần, lượng calcium cao hơn sữa 17 lần, lượng protein cao hơn sữa chua 9 lần, lượng potassium cao hơn chuối 15 lần và lượng iron cao hơn rau bina 25 lần... Nhiều thành phần của cây có thể chế biến làm thực phẩm như rễ, vỏ cây, lá, hạt. Kết quả xét nghiệm hàm lượng chất của lá chùm ngây từ Viện Dinh dưỡng càng củng cố hơn lòng tin của nữ doanh nhân trẻ, Hường quyết định hành trình tiếp theo trong cuộc đời phải gắn bó với cây chùm ngây. Những tháng sau đó, 8x thuê khoảng một ha đất trồng chùm ngây tại Đan Phượng. Cây cho nhiều lá, chị mang bán tại các cửa hàng rau sạch, siêu thị và shop hàng online uy tín. Tuy nhiên, khâu bảo quản rất vất vả vì lá cây nhanh héo. Thấy đây không phải là hướng đi lâu dài, Hường chuyển sang kinh doanh các thành phẩm từ cây thuốc. Từ chiếc máy sấy lạnh mua được của trường Đại học Bách Khoa, Hường mày mò nghiên cứu chế biến chùm ngây. Những sản phẩm đầu tiên như lá chùm ngây sấy khô, bột chùm ngây rồi dầu chùm ngây, vỏ cây chùm ngây sấy khô... lần lượt ra đời. Với bảy cân lá tươi, sau khoảng 10 đến 12 giờ sấy lạnh sẽ cho ra một cân lá chùm ngây khô. Để sản phẩm bớt ngái, Hường sẽ sao qua nguyên liệu 10 đến 12 phút. Các thành phần làm nên ngũ cốc chùm ngây. Ảnh: Nhân vật cung cấp Trong quá trình khởi nghiệp, bà mẹ trẻ gặp không ít rào cản và cả nước mắt. Từ bỏ công việc ổn định tại công ty nước ngoài trong khi nuôi con nhỏ, chị bị gia đình kịch liệt phản đối, gần như phải tự làm mọi thứ để duy trì đứa con tinh thần. Chưa hết, vụ chùm ngây đầu tiên trồng trên mảnh đất thuê thất bại do cây không chịu được nhiều nước khiến chị phải nhổ bỏ từng cây. Người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn cho biết đã nhiều lần bật khóc, phần lớn vì áp lực từ gia đình khiến Hường nghi ngờ năng lực bản thân. Gạt nước mắt đứng dậy, bà mẹ hai con bắt tay làm lại từ đầu. Hường quan niệm mọi việc đều có mặt tích cực, trách nhiệm với công ty không cho phép chị bỏ cuộc. Thiệt hại lớn đầu tiên cho chị bài học quý giá về đặc tính sống của chùm ngây. Vụ tiếp theo, Hường chọn những vị trí cao trong mảnh đất để gieo hạt giống. Dần dần, mọi việc đi vào ổn định, những mẻ hàng hoàn chỉnh đầu tiên ra đời và được đón nhận. Qua hai năm hoạt động, công ty của Hường thu hút nhiều khách hàng. Dù gặp một số khó khăn về nguồn vốn, nhân lực và công nghệ, sản phẩm từ chùm ngây có lợi thế là ít cạnh tranh. Xếp từng thùng hàng lên xe tải để chở đến đại lý phân phối, Hường cho biết chị tin tương lai của sản phẩm không chỉ dừng lại trong nước mà còn tiến xa hơn ra thị trường thế giới. Hiện cơ sở sản xuất bán khoảng 200kg trà mỗi tháng, tạo công ăn việc cho năm lao động. Doanh thu mỗi tháng lên tới hàng trăm triệu đồng. Huyền Trang Let's block ads! (Why?)Nguồn: VNExpress