Giáo sư Tôn Thất Tùng là người trực tiếp sử dụng Berberin để thử tác dụng và mở ra con đường dập tắt dịch lỵ nguy hiểm ở Miền Bắc từ những năm 70. Tuổi ngoài 80 hiện rõ trong vóc dáng hao gầy, Dược sĩ Phan Quốc Kinh với giọng nói khàn run run mở những cuốn sách cùng cuốn sổ ông ký tên "Kinh". Ông cẩn thận dùng những mẩu giấy màu đánh dấu ghi chú. Cuối cuốn sách đặt trước mặt ông có vài tấm ảnh gia đình, bên cạnh là bài thơ ông mới viết. Dược sĩ Phan Quốc Kinh. Người tiên phong "phá tan" bức tường ngăn cách giữa y học hiện đại với dược học cổ truyền đã có nhiều chia sẻ về gần 60 năm làm nghiên cứu khoa học của ông với ký ức bào chế ra thuốc Berberin dập tắt dịch lỵ và chuyện tình với người vợ là học trò của mình. Ông là "cha đẻ" của thuốc Berberin. Ông có thể chia sẻ hoàn cảnh ra đời của thuốc Berberin? Những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, không quân Mỹ đã gia tăng cao độ các đợt ném bom khủng khiếp trên khắp mọi miền của Miền Bắc. Ngoài dịch hoạ thiên tai (lũ lớn năm 1971), người dân Việt Nam còn phải gánh chịu hậu quả của dịch lỵ nguy hiểm. Dịch lỵ lan nhanh ở các tỉnh đồng bằng, miền núi, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy liên tục đến kiệt sức rồi tử vong. Tổng kho thực phẩm Trung ương hết thuốc vì không thể nhập khẩu được qua đường không, đường thuỷ, đường bộ vì máy bay, tàu thuỷ bị quân đội Mỹ bắn phá. Hết thuốc khiến việc điều trị gặp khó khăn. Đầu năm 1972, lãnh đạo Bộ Y tế dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn và Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức họp khẩn cấp các nhà y dược học để bàn biện pháp dập tắt dịch. Hội nghị đã vạch ra cụ thể các biện pháp hữu hiệu để phòng và chống dịch lỵ nguy hiểm này như: các biện pháp xử lý môi trường, phác đồ điều trị, cấp cứu mà trong đó cốt lõi nhất là phải có thuốc đề phòng và điều trị lỵ do vi khuẩn amip gây ra. Câu hỏi đặt ra với toàn thể hội nghị là "Lấy thuốc đó ở đâu?". Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đưa ra giải pháp phải nhanh chóng nghiên cứu sản xuất thuốc phòng chống lịch lỵ bằng cây cỏ trong nước. Tất cả mọi người đều chờ đợi. Tôi khi đó 35 tuổi, đứng lên thay mặt cho trường Đại học Dược Hà Nội xin nhận nhiệm vụ này và hứa sẽ cung cấp đủ thuốc cho Bộ sau 6 tháng. Phản ứng của mọi người trong Hội nghị như thế nào sau khi ông xin nhận nhiệm vụ đó? Giáo sư Hồ Đắc Di hỏi: "Thuốc của chú so với thuốc Tây thế nào? Có tốt hơn không?" Tôi trả lời: "Thuốc của chúng cháu sẽ sản xuất hiệu lực không bằng các loại thuốc của Pháp, Đức sản xuất nhưng tin chắc là sẽ góp phần dập tắt dịch lỵ nguy hiểm này". Việc đầu tiên mà ông cùng các cộng sự của mình làm là gì? Ngay sau đó, tôi đề nghị nhà trường Đại học Dược Hà Nội huy động tối đa cán bộ giảng dạy và sinh viên đến các làng xã ở miền núi và đồng bằng, bắt đầu tìm hiểu và thu thập kinh nghiệm của nhân dân, ông thầy lang, bà mế về việc sử dụng các loại thuốc nam để chữa bệnh lỵ. Sau bao lâu thì nhóm nghiên cứu có kết quả? Mười ngày sau, nhóm nghiên cứu sản xuất thuốc phòng chống dịch lỵ đã có trong tay hàng trăm bài thuốc nam điều trị lỵ thu thập được từ nhiều vùng trong cả nước. Tài liệu đó kết hợp với các tài liệu y khoa cổ truyền và y học hiện đại, nhóm đã chọn ra 20 cây thuốc có khả năng chống vi sinh vật gây bệnh lỵ để thử tác dụng kháng sinh. Sau hai tuần miệt mài nghiên cứu, nhóm đã xác định được một số cây cỏ và hoạt chất có tác dụng hữu hiệu chống lại các vi khuẩn và amip gây ra bệnh lỵ. Ba tháng sau, nhóm đã bắt tay vào thu hái dược liệu ở tỉnh Lào Cai và một số tỉnh đồng bằng và bào chế được 2 loại thuốc: Codanxit và Berberin. Ai là người sử dụng thuốc Berberin đầu tiên và phản ứng của họ như thế nào, thưa ông? Giáo sư Tôn Thất Tùng là người trực tiếp sử dụng Codanxit và Berberin cho chính mình và các bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức và kết luận thuốc có hiệu quả tốt. Giáo sư Tôn Thất Tùng đã đề nghị Bộ Y tế cho sản xuất quy mô lớn hai loại thuốc này. Bộ trưởng Y tế lúc đó là Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng cũng dùng thử và khỏi bệnh. Giáo sư đề nghị cung cấp một lượng thuốc để phục vụ đoàn cán bộ cao cấp ngành Y tế chuẩn bị vào miền Nam. Sau đó, từ các địa phương đã xác nhận Codanxit và Berberin có tác dụng điều trị hiệu quả các bệnh lỵ. Hai loại thuốc này đã góp phần dập tắt dịch lỵ nguy hiểm và phức tạp ở miền Bắc. Sau đó, ông đã nghiên cứu và bào chế ra các loại thuốc nào từ các dược liệu có sẵn trong nước? Cũng trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, bệnh nhân tâm thần, suy nhược thần kinh xuất hiện nhiều, nhóm chúng tôi đã kết hợp với Bệnh viện Thần kinh Trung ương, Viện Dược liệu, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 nghiên cứu, đưa vào sản xuất thuốc an thần gây ngủ sen vông và được sử dụng rộng rãi từ năm 1973. Sinh ra tại làng khoa bảng Đông Thái và đất học Tùng Ảnh, những ngày đầu bước chân vào Đại học Y dược Hà Nội, ông nhớ về điều gì? Tôi sinh ra tại làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là quê hương của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc và các nhà khoa bảng. Nhìn vào truyền thống hiếu học với hơn 20 người đỗ đại khoa Tiến sĩ thời phong kiến, tôi quyết tâm học hành để xứng đáng với truyền thống quê nhà. Thời bấy giờ, đại học chỉ có hai ngành là Sư phạm và Y dược. Tôi thích dược hơn nên đã theo học. Tôi còn nhớ, tôi viết mấy câu thơ trong những ngày đầu tiên đó: Mười bảy tuổi đời ra Thăng Long/ Chẳng có người thân, tiền cũng không/ Ý nguyện trở thành nhà khoa học/ Đem sức tài dâng hiến non sông. Ông bắt đầu nghiên cứu khoa học từ khi nào? Năm 1959, khi còn là sinh viên năm cuối trường Đại học Y dược Hà Nội, tôi có cơ hội được tham gia nghiên cứu bào chế một số loại thuốc từ tâm sen, lá sen, củ bình vôi... Đây là cột mốc đánh dấu con đường nghiên cứu khoa học của tôi. Những ngày đầu trở thành sinh viên Đại học Y dược Hà Nội rồi bắt đầu nghiên cứu khi mới là sinh viên năm cuối, ông khao khát điều gì? Lúc đó, chúng tôi quyết tâm học tập kinh nghiệm dược học cổ truyền, phải nắm bắt được những kiến thức hiện đại nhất về dược học, hoá học và y học của các nhà bác học hàng đầu thế giới. Ở trong nước, chúng tôi được lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm và nhiều giáo sư đầu ngành chỉ đạo và hợp tác nghiên cứu. Về nguyên tắc, chúng tôi nghiên cứu thuốc từ nguyên liệu sẵn có trong nước để phục vụ người bệnh và tìm những cây cỏ, động vật đặc hữu của Việt Nam, nghiên cứu triển khai để Bộ Y tế cho phép sản xuất với quy mô lớn. Công việc gắn bó với cây cỏ, ông đã đi những đâu để tìm dược liệu? Tôi đã đến những bản làng heo hút ở Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Bộ đến các vùng dân tộc giáp biên Châu Đốc, Tây Ninh và cả những vùng xa xôi ở mũi Cà Mau, Phú Quốc để học hỏi kinh nghiệm quý giá về sử dụng cây cỏ làm thuốc của nhân dân. Điều gì khiến ông dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn dành trọn cả đời mình cho việc nghiên cứu bào chế thuốc? Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Tôi vẫn viết báo, viết sách rồi làm thơ… Tôi tâm niệm, ngày nào còn sức thì tôi còn làm việc. Ngay từ đầu bước chân vào con đường nghiên cứu tôi chỉ có một mong muốn lớn nhất là đem lại hạnh phúc cho những người bệnh ở Việt Nam mà trước hết là những người nghèo khổ. Trong gần 60 năm làm nghiên cứu khoa học, những niềm vui, nỗi buồn ông trải qua là gì? Con đường làm nghiên cứu khoa học của tôi có nhiều niềm vui và nỗi buồn cũng không ít. Tôi vui nhất là nghiên cứu tìm ra các loại thuốc kịp thời cữu chữa người bệnh. Những người làm khoa học như chúng tôi cũng nhận phải nhiều ý kiến trái chiều. Tôi kiên định đi theo con đường mình đã chọn và tôi nghĩ mình có duyên với ngành dược. Có mục tiêu nào khi nghiên cứu dược học ông đặt ra mà không hoàn thành không? Tôi là một người thực tế. Tôi thường nhìn vào tình hình thực tế để đặt ra mục tiêu phù hợp. Trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học của mình, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất? Việc tham gia nghiên cứu bào chế ra thuốc Codanxit và Berberin, góp phần dập tắt dịch lỵ nguy hiểm trong những năm 1970 là ký ức tôi không bao giờ quên được. Ông chia sẻ ông còn làm thơ, cảm hứng sáng tác của ông thường đến vào những lúc như thế nào? Cách đây 10 năm, tôi sáng tác nhiều hơn bây giờ. Hầu như tới đâu tôi cũng đánh dấu nó bằng một bài thơ, tại sân bay Washington, trên máy bay bay về nước,… Đó chính là những điều diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Chứng tỏ ông là một người cực kỳ lãng mạn… Đúng vậy! Tôi là người yêu đời. Những vần thơ giúp cuộc sống của tôi nhẹ nhàng hơn. Không biết là ông có hay làm thơ tặng người vợ của mình không? Vợ tôi là học trò của tôi. Vợ tôi khi đó là cô sinh viên xinh nhất trường, con nhà quyền chức, con gái Hà Nội, có nhiều người theo đuổi. Tất cả mọi người đều đoán tôi không tán nổi bà ấy. Gia đình bà ấy không đồng ý cho chúng tôi đến với nhau. Sau đó, họ nhìn vào con người thật của tôi, là người tốt nên cuối cùng gia đình đã đồng ý. Sau 33 năm ngày cưới, tôi có viết bài thơ ‘Tình ta’ tặng bà ấy. Hai vợ chồng ông đã có sự hỗ trợ nhau như thế nào trong công việc? Vợ làm cùng ngành với tôi. Đây cũng là một điều thuận lợi vì vợ hiểu những việc tôi làm. Những điều nên biết về thuốc Berberin Berberin là loại thuốc có hoạt tính kháng sinh chống viêm. Berberin có nguồn gốc thảo dược, được chiết xuất từ rễ và thân cây vàng đắng. Công dụng Berberin điều trị nhiễm khuẩn đường ruột và không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột. Một số kháng sinh đường ruột nếu dùng phối hợp với berberin sẽ hạn chế được tác dụng phụ gây ra bởi các thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh vật đường ruột. Thuốc Berberin được chỉ định điều trị với hội chứng lỵ, bệnh lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột, viêm ống mật. Berberin còn được bào chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc, đau mắt đỏ do kích thích bên ngoài như (gió, nắng, lạnh, bụi, khói...) và điều trị bệnh đau mắt hột. Ngoài ra, thuốc còn giúp ngăn ngừa nhiễm nấm, bội nhiễm nấm và có tác dụng chống lại tác hại của vi khuẩn tả và E.coli ngoại độc tố bền với nhiệt. Liều dùng Người lớn: bạn uống 4-6 viên 50mg hoặc 1-2 viên 100mg mỗi lần, 1 ngày 2 lần. Trẻ em: tuỳ theo độ tuổi của trẻ mà bạn cho trẻ dùng từ 1/2-3 viên 50mg mỗi lần, 1 ngày 2 lần. Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc. Thời gian dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm amib, sẽ do bác sĩ điều trị quyết định. Cách dùng Bạn nên uống thuốc một lần vào buổi sáng trước bữa ăn, và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Khi uống, nếu có dùng thêm thuốc khác, bạn nên uống cách xa 1-2 giờ. Bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định. Sử dụng thuốc quá liều sẽ gây hại tới vị do tính quá hàn của berberin, làm cho tiêu hóa kém đi. Lúc này, bạn ngừng dùng thuốc và uống gừng hoặc viên gừng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV