Tại sự kiện Vietnam Mobile Game Exhibition 2017 diễn ra cuối tuần trước tại Hà Nội, lập trình viên Nguyễn Hà Đông, cha đẻ game Flappy Bird, đã tham gia buổi talkshow về chủ đề "Chuyện chưa kể", xoay quanh những góc khuất và câu chuyện liên quan đến việc làm game di động ở Việt Nam. Là một người nổi tiếng là "ít nói" và "kín tiếng", đây được xem là sự kiện hiếm hoi lập trình viên này xuất hiện trước đông người để chia sẻ ý kiến và quan điểm của bản thân. Nguyễn Hà Đông. "Tôi chỉ là người làm game truyền thống mà thôi", anh nói. Anh đánh giá cao các xu hướng mới AR, VR nhưng lại tự nhận mình là một người làm game theo lối truyền thống. Trong quan niệm của Hà Đông, các công nghệ mới như AR chỉ "giống một dạng gimmick" (từ lóng chỉ các công cụ hỗ trợ để làm ảo thuật) chứ chưa phải là một xu hướng rõ rệt, càng không thể so với game truyền thống. Đông cho rằng các nền tảng từ xưa đến nay đều có chu trình lặp lại, từ game trên hệ máy Famicom, game trên máy tính cho tới mobile game... Và khi các thiết bị di động đã có khả năng kết nối mạng tốt hơn cả máy tính, trong tương lai, các ứng dụng trò chơi cho phép nhiều người trải nghiệm cùng lúc (multiplayer realtime) sẽ trở nên phổ biến. "Hiện tại các sản phẩm chuyển thể từ máy tính sang thiết bị di động có nhiều yếu điểm về thiết kế, khả năng quan sát hạn chế, chưa thực sự tối ưu... nhưng xu hướng trong tương lai sẽ là như vậy, theo dự đoán của tôi", Hà Đông nói. Còn khi nhận định về thị trường ở hiện tại, Hà Đông lại ví nó với... văn học. "Trong văn học, có những câu chuyện chỉ cần trình bày trong vòng 4 chữ, nhưng cũng có cuốn tiểu thuyết dày hàng nghìn trang. Game cũng vậy, rất đa dạng nhưng lại không có gì quá đặc biệt", anh cho biết. "Game là một dạng phần mềm máy tính đặc biệt, không có công dụng gì ngoài thỏa mãn nhu cầu giải trí của người sử dụng. Do đó, sản phẩm thành công ít nhất phải mang lại cho người chơi tiếng cười, niềm vui trong vài phút. Với tài nguyên có phần hạn hẹp của Dotgear (công ty do anh lập ra), nội dung các sản phẩm của chúng tôi chỉ giới hạn trong khoảng 3 phút", Hà Đông cho biết quan điểm của mình về một game di động thành công. Nguyễn Hà Đông minh họa về tầm nhìn của mình trong việc làm game di động. "Chúng tôi chỉ có dự án hiện tại và tầm nhìn của chỉ có thể như thế này thôi, không thể xa hơn được", Nguyễn Hà Đông giơ bàn tay lên che ngay trước mặt để trả lời câu hỏi về định hướng tương lai của công ty. Tuy không tiết lộ gì về các dự án trong tương lai, Nguyễn Hà Đông cũng thừa nhận việc mình đang tiếp tục làm các trò chơi mới khi giao lưu với các khách mời và khán giả. Bên lề sự kiện, Hà Đông cũng mang tới Flappy Bird Family để hỗ trợ một giải đấu nhỏ. Đây là trò chơi được anh thiết kế riêng cho thiết bị Amazon Fire TV, dựa trên phong cách quen thuộc của Flappy Bird. Game cho phép 4 người chơi cùng lúc, ganh đua nhau về điểm số khi điều khiển nhân vật là các chú chim băng qua khe hở của các đường ống. Có tới 12 loại chim khác nhau cho game thủ lựa chọn với những tạo hình khá độc đáo. Chơi thử Flappy Bird Family tại sự kiện. Nguyễn Hà Đông là tác giả của Flappy Bird, trò chơi đã ghi dấu ấn trong cộng đồng game di động toàn cầu với hơn 90 triệu lượt tải tính tới khi được gỡ xuống trên iOS App Store và Google Play Store ngày 10/2/2014. Ngày 11/12/2014, trang web chuyên xếp hạng The Richest đã đưa lập trình người Việt này vào danh sách 10 triệu phú Internet phất lên từ con số 0. Flappy Bird đã chiếm vị trí thứ 6 trong số hàng nghìn tỷ từ khóa được tìm trên Google trong suốt 2014. Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird cũng xuất hiện trong cuốn sách Guinness 2016 với tư cách là trò chơi đầu tiên bị hạ xuống sau khi đã dẫn đầu bảng xếp hạng AppleStore. Bảo Nam Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ